|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Trục lợi không nhỏ từ thoái vốn Nhà nước'

19:36 | 02/11/2016
Chia sẻ
"Sở tài chính định giá doanh nghiệp 70 tỷ thay vì 100 tỷ như thực tế. Vậy số tiền chênh lệch khi định giá doanh nghiệp Nhà nước trước thoái vốn đó đi đâu", đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đặt câu hỏi.
 
truc loi khong nho tu thoai von nha nuoc
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: quochoi.vn

Tại nghị trường Quốc hội chiều nay (2/11), đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đoàn Ninh Thuận kể một ví dụ về tình trạng lợi dụng việc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để trục lợi.

Ông Cương cho biết, một người bạn làm doanh nghiệp Nhà nước vừa cổ phần hóa tiết lộ, hiện nay định giá tài sản các doanh nghiệp Nhà nước tại địa phương vẫn đang phụ thuộc vào Sở Tài chính. Báo cáo định giá chi tiết doanh nghiệp trước khi công bố phải báo cáo Sở. Trong khi, đơn vị phụ trách định giá doanh nghiệp trước thoái vốn cũng do Sở này chỉ định.

Thậm chí, kết quả định giá của doanh nghiệp sẽ "phải điều chỉnh theo ý" của Sở Tài chính. "Giả sử, cả doanh nghiệp lẫn đơn vị định giá thống nhất giá trị doanh nghiệp 100 tỷ. Khi trình, Sở nói giá không cáo đến vậy chỉ khoảng 70 tỷ. Doanh nghiệp phải điều chỉnh xuống còn kết quả thật vẫn giữ lại đề phòng biến cố", ông Cương chia sẻ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề, vậy chênh lệch giữa giá trị thật và báo cáo ai hưởng? "Sự thật đến đâu dành cho cơ quan điều tra làm rõ. Nhà nước mất rất nhiều vốn, chỉ cần thanh tra 1 số doanh nghiệp vừa cổ phần hóa là rõ câu trả lời", vị đại biểu khẳng định.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thái Học đoàn Phú Yên đánh giá, có tiêu cực, có thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Bởi, báo cáo của Chính phủ nêu số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp.

Người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân. "Vậy cả tỷ tỷ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ để xử lý sai phạm, thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát", đại biểu tỉnh Phú Yên nêu rõ quan điểm.

Chưa hết, giá trị đất đai, phần còn lại của doanh nghiệp Nhà nước khi thoái vốn đang bị trục lợi, ông Cương nhận xét. Vị đại biểu dẫn chứng, kết luận của Thanh tra Chính phủ gần đây về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là một ví dụ điển hình.

"Thoái vốn Nhà nước là chủ trương đúng nhưng bị trục lợi không nhỏ", ông nói.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng đặt vấn đề về tình trạng làm việc không hiệu quả và nhũng nhiễu doanh nghiệp của bộ máy chính quyền.

​"Việc gì không biết chứ có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất gì trên địa bàn họ biết hết! Thăm hỏi thường xuyên! Thăm hỏi không phải để kiểm tra hay chấn chỉnh vấn đề gì, mà để xin kinh phí hỗ trợ. Trước kia chỉ 'xin' vào dịp Tết, nay dịp gì cũng 'xin', lễ cũng 'xin'. Nếu không cho thì chuốc lấy phiền toái. Doanh nghiệp nói họ không làm gì sai cả nhưng vẫn phải chịu", vị đại biểu phản ánh.

Trong khi đó, chính quyền luôn chạy theo vấn đề và luôn giải thích rằng 'buông lỏng quản lý' trước tất cả các sự cố. "Từ sập hầm mỏ, sạt lở, lật du thuyền hay cháy cơ sở Karaoke khiến nhiều người chết chiều qua.. cứ xảy ra rồi chính quyền mới lập cập đến tuyên bố sẽ rà soát xử lý các cơ sở vi phạm", ông Cương dẫn chứng.

Công việc không giải quyết được thì cán bộ công chức làm gì?, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội đặt câu hỏi. Trong khi, hiện nay cán bộ công chức đông, tinh giảm biên chế giậm chân tại chỗ.

Chính phủ và Thủ tướng quan tâm hết mức tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cách làm việc của bộ máy nhà nước như vậy đã làm giảm hiệu quả rất nhiều, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lo ngại.

Thái Hoàng