|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trong khi lợi nhuận nhỏ giọt, liệu các startup kì lân của Đông Nam Á có đang được định giá quá cao?

15:25 | 21/11/2019
Chia sẻ
Theo một nghiên cứu của Bain and Co, Đông Nam Á hiện có 14 starup đạt định giá trên 1 tỉ USD.

Các "kì lân" Đông Nam Á hiện tại có giá trị tới 57 tỉ USD sau khi bổ sung thêm bốn thành viên mới đây, song mức độ "chân thực" của con số vẫn là một ẩn số.

Bigo Tech, Trax, ONE Championship và Zilingo đều đã chạm mốc định giá 1 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, nâng tổng startup "kì lân" trong khu vực lên con số 14, theo một báo cáo vừa được phát đi bởi công ty nghiên cứu toàn cầu Bain & Company.

kilan copy

Năm ngoái, Bain & Company nói Đông Nam Á có 10 startup "kì lân" cùng tổng định giá 34 tỉ USD. (Nguồn: The Asian Post, Việt hoá: Thái Sơn)

Khi công nghệ tài chính, thương mại điện tử (TMĐT) hay gọi xe ngày càng trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân Đông Nam Á, các startup trong những lĩnh vực này cũng nhận được nhiều sự quan tâm tương ứng từ các nhà đầu tư. 

Theo The Asian Post, top 20 startup nhận được nhiều đầu tư nhất tại khu vực đã đón hơn 1,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến giữa năm 2019.

"Mặc dù có những cảnh báo về suy thoái kinh tế, sự tăng trưởng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á trong hai năm qua không có dấu hiệu giảm nhiệt", báo cáo của Bain & Company nhấn mạnh.

Lợi nhuận nhỏ giọt

kilan2

Lợi nhuận là "cơn đau đầu" chung của các "kì lân" Đông Nam Á. (Ảnh: Bloomberg)

Mặc dù trải qua nhiều vòng gọi vốn, lợi nhuận vẫn là một dấu hỏi lớn cho các startup "kì lân" Đông Nam Á khi thông tin về chi phí hoạt động, lợi nhuận hay thua lỗ đều được bảo vệ nghiêm ngặt.

Bằng cách nhấn mạnh tới khả năng tăng quy mô và các dòng doanh thu ấn tượng, định giá của các startup Đông Nam Á tỉ lệ thuận với khả năng tạo niềm tin ở các nhà đầu tư thay vì bất kì thước đo lợi nhuận nào.

Trong một bài phỏng vấn với CNBC tuần trước, Anthony Tan, người đồng sáng lập và CEO Grab, cũng thừa nhận Grab chưa có lợi nhuận. "Một khi chúng tôi có lợi nhuận, chúng tôi sẽ có thể chào bán cổ phần ra công chúng khi chúng tôi muốn", Tan chia sẻ.

Tương tự Grab, các startup "khủng" trong lĩnh vực gọi xe hiện tại cũng lỗ. Lyft và Uber có định giá 23 tỉ USD và 83 tỉ USD lần lượt trước khi bán cổ phần ra công chúng. 

Trở lại thời điểm tháng 11, vốn hoá của hai ông lớn gọi xe chỉ còn 12,8 tỉ USD và 45,7 tỉ USD. Đốt hàng tỉ USD mỗi quý, Uber và Lyft đều khẳng định phải tới năm 2021 mới có lãi.

Các "kì lân" Đông Nam Á liệu có bị định giá quá cao tương tự?

Một thống kê được thực hiện vào tháng 6 với sự tham gia của 135 startup "kì lân" Mỹ cho thấy chúng được định giá quá cao tới 48%. 

Mang tên gọi "Squaring Venture Capital Valuations with Reality", nghiên cứu cho thấy 10 công ty được định giá quá mức ít nhất cũng được định giá cao hơn 13% so với trung bình, trong khi đó 10 công ty được định giá quá mức cao nhất thì cao hơn mức trung bình tới 145%.

"Chúng tôi hi vọng việc phân tích định giá của chúng tôi có thể khiến các nhà đầu tư cảm thấy áp lực trong việc báo cáo chính xác giá trị các khoản đầu tư của mình," nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Rõ ràng, nhiều nghiên cứu và phân tích tương tự nên được thực hiện với các startup "kì lân" Đông Nam Á để các nhà đầu tư có thể thoải mái hơn trong việc đưa ra quyết định của mình.

Thái Sơn