|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triều Tiên khẳng định chỉ đề nghị Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận

06:53 | 01/03/2019
Chia sẻ
Đêm 28/2 về sáng 1/3, Triều Tiên đã mời phóng viên báo chí của nhiều báo đài tới tham gia cuộc họp báo đột xuất được tổ chức ở khách sạn Melia, nơi đoàn Triều Tiên đang ở trong suốt thời gian qua.
Triều Tiên khẳng định chỉ đề nghị Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho chủ trì họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. (Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN)

Trong cuộc họp báo diễn ra sáng sớm ngày 1/3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, nước này đã đề nghị dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại khách sạn Melia ở Hà Nội, Ngoại trưởng Ri Yong-ho nói rằng nước này đã đưa ra đề xuất thực tế trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa diễn ra giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Triều Tiên khẳng định chỉ đề nghị Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận  - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ông khẳng định Bình Nhưỡng muốn 5 nghị quyết trừng phạt của LHQ được dỡ bỏ, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt liên quan đến đời sống của người dân Triều Tiên. Theo Ngoại trưởng Triều Tiên, Bình Nhưỡng mong muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ.

Ông Ri Yong-ho cũng khẳng định Triều Tiên sẽ không thay đổi lập trường ngay cả khi Mỹ mong muốn thúc đẩy đối thoại. Nhà ngoại giao này cũng tiết lộ Mỹ mong muốn Triều Tiên có "thêm một bước đi" ngoài việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Trước đó cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã kết thúc mà không thu được kết quả. Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội, chiều 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, mặc dù ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có một cuộc đối thoại tốt đẹp và mang tính xây dựng, nhưng hai ông không thể đi đến một thỏa thuận nào do những bất đồng về vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.

Triều Tiên khẳng định chỉ đề nghị Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận  - Ảnh 3.

Phóng viên chờ đợi trước khi cuộc họp báo diễn ra. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo ông Trump, Triều Tiên muốn được gỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi tháo dỡ cơ sở hạt nhân, song Mỹ không đồng ý. Ông Trump đánh giá Chủ tịch Kim đã có những thay đổi nhất định trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Theo Tổng thống Trump: “Chủ tịch Kim Jong-un là một người có tính cách thú vị, quan hệ giữa chúng tôi rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, đôi khi bạn phải đi một cách chậm rãi… Chúng tôi thấy việc ký kết một thỏa thuận vào thời điểm này không thực sự phù hợp."

Trump cho biết thêm rằng ông rất muốn dỡ bỏ các cấm vận với Triều Tiên trong tương lai vì ông tin rằng đất nước này có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Khi được hỏi về bầu không khí của cuộc gặp sau khi không đạt được một thỏa thuận, Tổng thống Trump cho biết mối quan hệ của ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vô cùng tốt đẹp.

Trả lời câu hỏi về thời điểm dự kiến gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump nói: "Có thể sớm thôi, không quá lâu. Tôi hy vọng nó sẽ diễn ra sớm".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Vietnam+