|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triều Tiên cắt liên lạc Hàn Quốc: Thế khó của hai bên

07:57 | 11/06/2020
Chia sẻ
Việc ngừng liên lạc với Hàn Quốc là cách Triều Tiên phản ứng trước tình trạng trì trệ của đàm phán phi hạt nhân hóa cũng như các thách thức kinh tế do COVID-19 và cấm vận gây ra.

Ngày 9-6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố Bình Nhưỡng từ trưa cùng ngày đã cắt toàn bộ đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc (HQ) lâu nay được duy trì thông qua văn phòng liên lạc chung hai miền. 

KCNA nhấn mạnh đây sẽ là bước đi đầu tiên trong chiến lược toàn diện chống lại “kẻ thù Seoul” do HQ không thể ngăn chặn những người đào tẩu khỏi Triều Tiên rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng ở khu vực biên giới. 

Một số chuyên gia nhận định động thái của Bình Nhưỡng thực chất ẩn chứa nhiều động cơ và toan tính.

Giải mã ý định của Triều Tiên

“Trong ngắn hạn, mục đích của Triều Tiên là chấm dứt các hoạt động rải truyền đơn và gây sức ép với HQ. Song mục tiêu dài hạn là buộc Mỹ nới lỏng trừng phạt” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và an ninh (HQ) Shin Beom-chul bình luận, theo tờ The Korea Herald.

Đồng quan điểm, chuyên gia quân sự thuộc Diễn đàn Quốc phòng và an ninh HQ (KDSF) Shin Jong-woo cũng cho rằng Triều Tiên đang làm khó Seoul để gián tiếp buộc Washington phải nới lỏng trừng phạt và viện trợ kinh tế. 

“Họ muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng trong tầm kiểm soát để đạt kết quả như mong muốn. Cuộc khủng hoảng phải không lớn đến mức Mỹ có lý do để can thiệp” - ông Shin chia sẻ.

Mặt khác, việc Triều Tiên cắt liên lạc với HQ có thể là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang mất dần kiên nhẫn và niềm tin vào nỗ lực của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Cụ thể, Bình Nhưỡng nhiều khả năng cho rằng Seoul không thực sự muốn thúc đẩy các dự án kinh tế hợp tác giữa hai miền.

Theo dữ liệu của Bộ Thống nhất HQ, chính quyền Seoul từ năm 2015 đến tháng 4-2020 chưa phê duyệt bất kỳ dự án hợp tác kinh tế nào với Triều Tiên mà chỉ thông qua chín dự án liên quan đến văn hóa - xã hội trong hai năm 2018 và 2019.

Chuyên gia Shin Jong-woo còn cảnh báo nếu quan hệ liên Triều không được cải thiện trong thời gian tới, nhiều khả năng quân đội Triều Tiên sẽ lấy cớ này để nối lại các hoạt động phóng thử nghiệm tên lửa, diễn tập quân sự.

Bên cạnh đó, xét về điều kiện trong nước, động thái mới nhất của Triều Tiên nhiều khả năng là chiến thuật để củng cố sự ủng hộ dành cho Chủ tịch Kim Jong-un. 

Là một nền kinh tế tự cung tự cấp, hiện Bình Nhưỡng đang rất cần sự đoàn kết để vượt qua cùng lúc hai vấn đề nghiêm trọng là các lệnh trừng phạt và đại dịch COVID-19.

Triều Tiên cắt liên lạc Hàn Quốc: Thế khó của hai bên - Ảnh 1.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái, hàng trên) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải, hàng trên) thăm khu vực phi quân sự biên giới liên Triều vào tháng 4-2018. Ảnh: AP

Seoul kẹt giữa đồng minh và đối thủ

Theo hãng tin Bloomberg, vấn đề lớn nhất của Seoul khi bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng là khó đạt được đồng thuận với Mỹ trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến kinh tế Triều Tiên. 

Lý do là Mỹ luôn từ chối nới lỏng cấm vận chừng nào Bình Nhưỡng vẫn không nhượng bộ về chương trình hạt nhân.

Quan hệ giữa ông Kim và ông Moon cũng được đánh giá không còn giống như trước từ khi Tổng thống Donald Trump rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở thủ đô Hà Nội sớm hơn dự kiến hồi tháng 2-2019. 

Ông Kim khi đó đang đề xuất một kế hoạch được cả Seoul ủng hộ là sẽ sẵn sàng dừng hoạt động cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi việc Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, đề xuất cuối cùng thất bại do ông Trump yêu cầu Triều Tiên phải “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác minh được”.

Hàn Quốc và Mỹ ngày 10-6 đã tiến hành các cuộc tập trận chung về phòng không và phòng thủ tên lửa như được dự kiến từ đầu năm 2020. Một sĩ quan HQ tiết lộ hai bên đã diễn tập phòng thủ theo kịch bản chống các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.

Hồi tháng 5, Tổng thống Moon Jae-in từng bày tỏ mong muốn xóa bỏ các hạn chế đi lại để mở cửa cho người dân hai miền tự do giao thương. “Đó là cảm giác thất vọng và bị phản bội. Ông Kim Jong-un đổ lỗi cho HQ khiến ông hiểu lầm rằng chỉ cần cơ sở Yongbyon là đủ để làm yên lòng ông Trump” - Rachel Minyoung Lee, một cựu chuyên gia trong chính phủ Mỹ chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, chia sẻ.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump sau đó lên tiếng cảnh báo thẳng thừng rằng HQ không được sửa đổi hay tác động đến lệnh trừng phạt “mà không có sự đồng ý của Washington”.

“Các quan chức trong chính quyền ông Moon đều hiểu rõ Seoul khó có thể đơn phương giải quyết các mâu thuẫn với Triều Tiên mà không ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Mỹ. 

Ông Moon có thể hứa hẹn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn phải cân nhắc tới ông Trump” - chuyên gia phân tích chính sách Soo Kim thuộc tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) nhận định.

Mỹ, Hàn ra tuyên bố về quyết định của Triều Tiên

Trả lời hãng tin AFP ngày 10-6, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Mỹ luôn luôn ủng hộ các tiến triển hòa bình trong quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, quyết định cắt liên lạc với HQ của Bình Nhưỡng khiến Mỹ "rất thất vọng". "Chúng tôi hối thúc Triều Tiên quay trở lại con đường ngoại giao và hợp tác" - người này nhấn mạnh.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Thống nhất HQ Sang-key kêu gọi Bình Nhưỡng nên tiếp tục duy trì liên lạc với Seoul vì tình hữu nghị hai miền. Ông Sang cho hay HQ vẫn cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho toàn bán đảo Triều Tiên.

Vĩ Cường

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.