Trị cò đất lộng hành, phải chặt từ 'gốc'
'Cò' đất làm loạn, TP HCM yêu cầu công an vào cuộc | |
Dân Hà Nội, TP HCM đổ về Phú Quốc đầu cơ đất, chính quyền kêu xử lý vi phạm phức tạp |
Người dân khi mua nhà đất cần tìm đến các dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý. |
Khó trị “cò” đất
UBND TP HCM vừa yêu cầu Công an Thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản và xử lý theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo này của UBND Thành phố xuất phát từ tình hình giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trên địa bàn tăng nóng trong thời gian qua được nhận định có sự thao túng của những người tung tin ảo, thổi giá nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là những biện pháo tình thế. Còn muốn trị bệnh “cò” đất, đầu cơ, tung tin thất thiệt thì phải có những sửa đổi từ quy định pháp luật nghiêm minh và có tính răn đe cao hơn với những hành vị này.
Đối với trường hợp các cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi, luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP HCM đồng tình cần phải xử lý hình sự khi có đủ các yếu tố cấu thanh tội phạm.
Trường hợp xác định được các đối tượng cò đất tung tin thất thiệt và có dấu hiệu lừa đảo thì cần phải xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Hữu, đối với hành vi quảng cáo gian dối thì phải thỏa mãn điều kiện là gây hậu quả nghiêm trọng thì mới xử lý được tội danh này.
Việc thổi giá bán đất đai cũng được xem là hành vi thao túng giá bất động sản, nhưng hiện nay thì hành vi này chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Hiện Bộ luật Hình sự chỉ mới quy định hành vi thao túng giá chứng khoán.
Siết giao dịch chuyển nhượng bất động sảnĐại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM (Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) cho biết, sắp tới sẽ siết chặt các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng bất động sản để tránh hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Thống kê cho thấy, chỉ trong nửa năm 2018, trên địa bàn TP HCM đã có gần 10.000 giao dịch nhà đất thành công, tăng đột biến hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. |
Cho nên, để kiểm soát được giá bất động sản, không để cho hiện tượng này tiếp tục tái diễn, cần phải quy định thêm về hành vi thao túng giá bất động sản vào Bộ luật Hình sự trong lần sửa đổi tới đây. Có như vậy thì mới khắc phục được lỗ hổng về quản lý nhà nước đối với giá bất động sản hiện nay.
Liên quan đến việc xử lý hành vi thổi giá bất động sản, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc L&L Group cho rằng, khó có thể thực hiện. Bởi lẽ, bất động sản cũng được xem như một sản phẩm, có người mua thì có người bán. Giá cả thì do hai bên tự thỏa thuận theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Nếu người bán đưa ra giá bán mà người mua cảm thấy giá đó quá đắt thì họ có quyền không mua.
“Việc giá bán cao nhưng vẫn có người mua thì đó cũng là do bức bách về nhà ở của người dân, hoặc do vị trí hoặc những tiện lợi khác trong cuộc sống. Còn đối với những người đầu cơ thì cũng chẳng có gì là lạ, họ có thể xem đó là một hoạt động đầu tư và chấp nhận sự rủi ro trong kinh doanh.
Chính vì vậy, việc mua bán hiện nay với hiện tượng thổi giá cũng được xem như một giao dịch dân sự bình thường và không thể thấy có hiện tượng loạn giá đất đai và vượt tầm kiểm soát quản lý của mình lại đưa ra quan điểm là phải xử lý hình sự vì người bán thổi giá. Như vậy không khác gì hình sự hóa các quan hệ dân sự thông thường”, ông Minh phân tích.
Chấn chỉnh quản lý, công khai quy hoạch
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trước khi “đổ lỗi” cho cò đất, đầu nậu làm loạn giá nhà đất, cơ quan quản lý liên quan cần xem lại gốc vấn đề, xem lại trách nhiệm của chính mình.
Cò đất có thể thổi giá, thổi phồng thông tin về hạ tầng, về các tiện ích là bởi vì thông tin quy hoạch, thông tin giá nhà đất lâu nay rất ít được công khai, người dân khó lòng tiếp cận.
Do vậy, ông Hiếu cho rằng, thay vì tìm cách xử lý cò đất, giải pháp để ổn định thị trường bất động sản hiện nay là các địa phương, các quận, huyện phải công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về quy hoạch sử dụng đất.
Địa phương phải quyết liệt loại bỏ các dự án treo nhiều năm không thực hiện. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật đất đai, cảnh báo người dân về những rủi ro khi đầu tư theo hiệu ứng đám đông…
“Cái gốc là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu quản lý tốt, công khai, minh bạch quy hoạch... thì thị trường bất động sản mới hy vọng phát triển ổn định. Khi đó cò đất, đầu nậu tự nhiên sẽ hết đất làm ăn bất chính”, ông Hiếu chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight nhận định, trị “sốt” đất cần giải pháp mang tính ổn định lâu dài. Người dân thiếu thông tin chính thức từ các cơ quan chính quyền mà chỉ nhận được thông tin quy hoạch từ “hành lang”.
Từ thông tin “hành lang” này, nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục lao vào đầu cơ và những người tung ra thông tin “hành lang” thường là những “đầu nậu”. Khi những đầu nậu này đã “ôm “ rất nhiều lô đất trong cùng một khu vực thì đương nhiên họ có nhu cầu đẩy giá bất động sản khu vực đó lên.
Chính vì thế, cơ quan chính quyền phải thông tin công khai càng sớm càng tốt các hoạt động quy hoạch, có cơ quan tư vấn hỗ trợ người dân để họ nắm được thông tin.
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, cần công khai quy hoạch sử dụng đất, khu vực nào quy hoạch lâu dài để phát triển nông nghiệp, như vậy sẽ không có cơ hội để chuyển sang đất phi nông nghiệp; các khu vực đất sẽ bị thu hồi để giao cho các dự án đầu tư, tức không có cơ hội để nhận chuyển nhượng. Từ đó, mọi người đều hiểu rõ đất nào có thể sinh lợi khi nhận chuyển nhượng và đất nào không thể.
“Cần quy định chế tài các cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào nhận chuyển nhượng đất đai, cũng như chung nhóm lợi ích với giới đầu cơ đất đai. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật, quy hoạch, về hiệu ứng đám đông, về các rủi ro gặp phải khi tham gia vào dòng người tìm kiếm đất đai”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Những điều cần biết trước khi mua đấtĐối với dự án chung cư, chủ đầu tư phải có sổ đỏ, giấy phép xây dựng, bản vẽ quy hoạch 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng, giấy bảo lãnh của ngân hàng. Nếu dự án đang thế chấp phải có văn bản giải chấp của ngân hàng và đồng ý cho huy động vốn, chung cư phải làm xong phần móng... Đó là những điều kiện để chủ đầu tư dự án chung cư được Sở Xây dựng cấp giấy xác nhận được huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai. Đối với đất nền, dự án phải hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng chính gồm đường sá, cống thoát nước, hệ thống cấp nước, cấp điện… Chủ đầu tư muốn bán đất thì thủ tục phải được duyệt hoàn thiện, hợp đồng chuyển nhượng phải rõ ràng, xác minh dự án đó đã hoàn thành chưa. Muốn bán đất nền chủ đầu tư phải có quyết định cho phân lô của UBND tỉnh, thành phố. Luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP HCM |