|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Tranh cãi nảy lửa chuyện 'xe nhập hết cửa về Việt Nam'

07:17 | 27/02/2018
Chia sẻ
Trong khi các doanh nghiệp như Ford, Toyota kêu than về quy định tại Nghị định 116, các đơn vị lắp ráp xe trong nước như Trường Hải, Thành Công lại thấy "hợp lý".
tranh cai nay lua chuyen xe nhap het cua ve viet nam Sau siết ô tô nhập, Bộ Công Thương dự báo ô tô nội sẽ bán 'chạy' hơn
tranh cai nay lua chuyen xe nhap het cua ve viet nam 'Tắc' đường xe nhập khẩu, thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong tháng 1/2018

Cuộc họp về tháo gỡ khó khăn với ôtô nhập khẩu theo quy định Nghị định 116 và Thông tư 03 ngày 26/2 "nóng" với những quan điểm trái ngược nhau của đại diện doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từng 4 lần gửi thư tới Chính phủ phản biện về quy định mới tại Nghị định 116 đang làm khó xe nhập khẩu, ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam bày tỏ "quan ngại sâu sắc khi Nghị định 116 không tuân thủ quy định quốc tế, dẫn tới thực tế từ đầu năm 2018 đến nay không một chiếc xe nào được nhập khẩu vào Việt Nam".

Đại diện VAMA nhắc lại 4 trở ngại khiến đường về của xe nhập khẩu bị chặn lại, gồm: giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập vào Việt Nam; kiểm tra thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu; quy định đường thử xe với các nhà sản xuất và thủ tục tờ khai hải quan.... Ông Konishita khẳng định, Hiệp hội này ủng hộ định hướng phát triển công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ của Chính phủ Việt Nam, nhưng chính sách tốt phải đảm bảo tiếp tục mở rộng thị trường, cải thiện khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

tranh cai nay lua chuyen xe nhap het cua ve viet nam
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp và sửa đổi cho phù hợp. Ảnh: Hoài Thu

Ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam nêu thực tế, các nước không cấp giấy chứng nhận cho xe xuất khẩu mà chỉ cấp cho xe sản xuất trong nước. Tại châu Âu, một số nước cấp giấy chứng nhận chất lượng nhưng chỉ xe nhập vào nước họ với tiêu chuẩn khí thải Euro 6, trong khi Việt Nam mới đáp ứng Euro 4 và sẽ "rất tốn kém, phức tạp" để có được giấy tờ này.

Yêu cầu kiểm tra từng lô đặt ra trong Nghị định 116 cũng được lãnh đạo Ford Việt Nam bày tỏ quan ngại. Ông cho biết, doanh nghiệp đang có một lô xe 100 chiếc nhập từ Mỹ bị "ách" lại ở cảng và mỗi ngày phải chi khoảng 1.000 USD mà không dám nhập vào Việt Nam do vướng quy định và lo ngại rủi ro không đạt yêu cầu. "Muốn kiểm nghiệm lô hàng doanh nghiệp có thể phải mất đến 2 tháng, chi phí 5.000-10.000 USD", ông nói.

Với những quy định hành chính còn gây tranh cãi, đại diện Amcham, Eurocham... một lần nữa đề xuất lùi thời hạn áp dụng Nghị định 116. Tuy nhiên quan điểm này ngay lập tức bị các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước bác bỏ.

Đại diện cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco) không đồng tình. "Quy định tại Nghị định 116 không ưu ái, bảo hộ sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Chúng tôi cũng không xin ưu đãi, ngay những lô hàng doanh nghiệp nhập về vẫn bị kiểm tra từng chiếc, từng lô", ông Dương nói.

Chủ tịch Thaco ví giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe như "lý lịch" của chiếc xe, trong đó đề cập tới tính năng, công nghệ sản xuất xe... Ông Dương chia sẻ, bối cảnh trong nước chưa đủ điều kiện kiểm định, hiểu biết của người dân về xe chưa cao và công nghiệp ôtô thay đổi liên tục..., biết rõ lý lịch xe khi mua là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng. Quy định từ năm 2006 và các doanh nghiệp sản xuất trong nước chấp hành nghiêm túc, không gặp bất kỳ trở ngại nào khi xin những giấy tờ này từ các hãng.

Ông Dương đưa tới cuộc họp bằng chứng việc Thaco đã nhận được loại giấy tờ này từ phía các thương hiệu xe mà doanh nghiệp này phân phối tại Việt Nam như KIA (Hàn Quốc), Peugeot (Pháp)... nhiều năm nay.

Riêng về thực tế thiếu hụt xe nhập khẩu từ đầu năm 2018, ông Dương cho rằng, do chiến lược của các nhà sản xuất lắp ráp ôtô thay đổi khi chuyển một phần từ sản xuất lắp ráp sang nhập khẩu. "Cái này do chính các anh gây ra. Nếu làm nhanh, ngay cả Ford Việt Nam, trong tháng 4 cũng có thể nhập được xe về", vị này nói thêm.

tranh cai nay lua chuyen xe nhap het cua ve viet nam
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco mang tới cuộc họp tập tài liệu chứng nhận chất lượng kiểu loại xe mà doanh nghiệp này xin được từ các hãng. Ảnh: Hoài Thu

Một trong những tranh cãi khác tại cuộc họp liên quan tới quy định đường thử xe là 800m, thay vì 500m như trước. Theo Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, quy định hiện đã quá lỗi thời, công nghệ xe hơi thay đổi nhanh chóng nên đường thử xe phải có tiêu chuẩn mới để phát hiện ra lỗi sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Dũng lại cho rằng, không có mối liên hệ nào về đường thử với chất lượng xe. Với những doanh nghiệp đã đầu tư vài chục năm sẽ gặp khó khăn về quỹ đất cho quá trình đầu tư, mở rộng này.

Không đồng tình "đường thử không liên quan tới chất lượng xe", ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công phản bác, đường thử tối thiểu 800m không phải điều kiện quá khó khi đây là khâu cuối cùng kiểm tra sai sót xe trước khi bán ra thị trường. "Không thể lấy lý do thiếu quỹ đất mà không xây được đường thử, nếu doanh nghiệp không làm cho thấy họ thiếu cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam", ông Đức nêu quan điểm.

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giải thích thêm, việc mở rộng đường thử thêm 300m so với quy định trước đây không quá khó với doanh nghiệp đã đầu tư. "Sợ nhất là doanh nghiệp chưa làm gì thì giờ mới là vấn đề", ông nói.

Có mặt tại cuộc họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lắng nghe và ghi chép kỹ những vướng mắc đại diện các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước và FDI đưa ra. Ông khẳng định, quan điểm của Chính phủ tạo cơ chế chính sách cho các nước xuất khẩu ôtô vào Việt Nam nhưng cũng phải có chính sách đảm bảo nền sản xuất trong nước vì lợi ích 100 triệu dân.

"Rất mong các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp ôtô để dần từng bước tự chủ, tăng nhanh nội địa hoá bằng các cơ chế chính sách, thuế thay vì dùng thủ tục hành chính bất hợp lý để tạo ra rào cản, co kéo lợi ích", Bộ Dũng nói.

Ông cũng cho biết, cuộc họp không có kết luận nhưng mọi kiến nghị của doanh nghiệp đều được ghi chép, lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc. "Cuối tuần này, hoặc đầu tuần sau các Bộ, ngành liên quan sẽ họp để xem xét từng khía cạnh vấn đề, đề xuất Thủ tướng sửa đổi, bổ sung hợp lý. Chính phủ hành động, kiến tạo nên Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, minh bạch chứ không phải hứa để đó, mà nói là làm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chốt lại.

Nguyễn Hoài

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.