|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM lo sốt vó vì thông tin cắt 85.000 tỷ đồng

14:21 | 26/10/2016
Chia sẻ
Được giao tăng thu ngân sách thêm 30 so với năm 2015 nhưng tỷ lệ được giữ lại cho đầu tư phát triển giảm mạnh tới 5 trong năm 2017, khiến TP.HCM lo sốt vó…

Đầu tàu kinh tế cả nước sẽ ra sao khi “nguồn nhiên liệu” bị cắt giảm đột ngột?...

Dân Việt chia sẻ ý kiến các chuyên gia kinh tế đầu ngành trước thông tin cắt giảm ngân sách này.

tp hcm lo sot vo vi thong tin cat 85000 ty dong

Hạ tầng TP.HCM còn kém như thế này, lại đối phó với tăng dân số cơ học, mà “cắt” đầu tư phát triển thì liệu giữ được vị trí “đầu tàu”?

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR): “Tôi thấy không ổn”

Về nguyên tắc, có 2 quan điểm trong phát triển kinh tế gồm: Phát triển dàn đều (phân bổ đồng đều ngân sách cho các địa phương) và phát triển tập trung vào trọng điểm. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm thứ 2, đó là TP.HCM hiện nay đã phát triển tốt thì nên đầu tư, tạo ra đột phá, hình mẫu phát triển cho cả nước.

Theo tôi, nên tạo điều kiện để TP thành điển hình phát triển mạnh thì mới kéo đoàn tàu kinh tế cả nước phát triển mạnh theo. Nghĩ xem, nếu đầu tàu kéo không mạnh thì sao đoàn tàu chạy nhanh được? Khi đó, sau khi TP đã phát triển rồi, giá trị tạo ra sẽ đủ lớn để tập trung phát triển cho các tỉnh, thành khác.

Việc cắt giảm ngân sách theo báo chí thông tin đến 5% (từ 23% xuống 18%) là rất lớn, chiếm hơn 20% số tiền mà TP.HCM được giữ lại, sẽ rất khó để TP cân đối khi vừa phải chi cho đầu tư hạ tầng, cho cải cách hành chính, kể cả các vấn đề kinh tế xã hội khác như giáo dục, y tế, giao thông… Tôi không rõ việc giảm 5% ngân sách này trong giai đoạn 2017-2020 là giảm từng năm 1% hay giảm liền 5% nhưng dù là gì thì tôi cũng thấy không ổn.

TS Kinh tế Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulright Việt Nam): “Có thể suy giảm tăng trưởng”

Trong giai đoạn 2004-2020, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM giảm liên tục từ 29% xuống chỉ còn 18%, trong khi tỷ lệ này của Hà Nội tăng từ 32% lên 42%. Như vậy, đô thị lớn nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước đột ngột bị “thắt lưng buộc bụng”. Chính sách này có thể là suy giảm tăng trưởng không chỉ của TP.HCM mà còn của cả nước.

Đồng thời theo kế hoạch, sau khi hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán thì trụ sở mới sẽ đặt tại Hà Nội. Như vậy, TP.HCM – Trung tâm tài chính lớn nhất nước – sẽ không còn Sở giao dịch chứng khoán. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế của TP do mất đi một phần hiệu ứng cụm ngành (cluster effect), trong khi gia tăng chi phí giao dịch (transaction costs).

Như vậy, TP vừa bị cắt mạnh ngân sách, vừa chịu tổn thất đối với một trụ cột. Vì vậy theo tôi không nên để những điều này xảy ra với đô thị lớn nhất và đầu tàu kinh tế.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Nên giữ nguồn ngân sách ổn định”

TP.HCM lâu nay được đánh giá có sức thu hút vốn xã hội hóa lớn nên nhiều người nghĩ cắt ngân sách sẽ thu hút các nguồn khác nhiều hơn. Nhưng theo tôi đánh giá thì việc quá “dựa dẫm” vào nguồn vốn xã hội hóa sẽ làm mất sức cạnh tranh của TP.HCM với các nước trong khu vực.

Do vậy tôi vẫn đồng ý với kiến nghị của TP.HCM là giữ nguồn ngân sách ổn định như những năm trước để chủ động tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kết nối. Ví dụ như kết nối Q.2, Q.9 với Nhơn Trạch để rút ngắn khoảng cách ra Vũng Tàu hiện đang bắt đầu triển khai nhưng nếu cắt ngân sách thì có thể sẽ phải ngưng lại. Việc này không chỉ làm mất cơ hội thu hút đầu tư mà còn giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Ngoài ra, TP.HCM đầu tư phát triển thì không chỉ đầu tư cho riêng TP mà còn tác động lan tỏa cả vùng.

tp hcm lo sot vo vi thong tin cat 85000 ty dong

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM: “Sẽ không kịp cân đối vì cú sốc lớn”

Những năm qua, TP.HCM đã nỗ lực thu hút các nguồn thu để đóng góp cho cả nước. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, TP cần ngày càng nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư để có thể phát triển kịp với tiến độ phát triển của khu vực, việc giảm nguồn thu được giữ lại từ 23% xuống 18% sẽ là cú sốc lớn cho TP.HCM. TP.HCM sẽ không kịp cân đối cho những kế hoạch dài hạn, đặc biệt là 7 chương trình trọng điểm của TP vừa được đại hội Đảng bộ TP.HCM đề ra.

Riêng về liên kết chuỗi, sắp tới, TP.HCM sẽ là nơi trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh ra thế giới cũng như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về. Do đó, TP.HCM cần một vành đai gồm các nhà máy chế biến với công nghệ cao, hệ thống kho chứa và mạng lưới giao thông kết nối giữa các cảng biển, cảng hàng không tỏa về các địa phương một cách dễ dàng.

Thực tế hiện nay, hệ thống các nhà máy ở khu vực vành đai TP.HCM chịu trách nhiệm chế biến nông, thủy sản trước khi xuất khẩu hoặc trung chuyển ra thị trường phía Bắc còn rất hạn chế, chỉ có một vài cơ sở tư nhân nhỏ, lẻ, không đáng kể, chưa áp dụng được công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Theo tôi, Chính phủ nên gia hạn cho TP.HCM thêm vài “nhiệm kỳ” để đảm bảo cơ bản hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, đáp ứng các nhu cầu phát triển hội nhập bền vững.

Tại buổi Quốc hội thảo luận về ngân sách cuối tuần qua, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020. Theo tính toán, 1% ngân sách TP.HCM những năm gần đây khoảng 17.000 tỉ đồng. Nếu giảm 5% thì TP.HCM sẽ hụt khoảng 85.000 tỉ đồng.

Theo Quốc Hải - Thuận Hải - Tiến Tường (ghi)