|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM kêu gọi đầu tư vào 6 dự án tại Khu đô thị Thủ Thiêm

10:57 | 11/10/2017
Chia sẻ
Lãnh đạo TP HCM đang kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm với 6 dự án gồm: 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp.
tp hcm keu goi dau tu vao 6 du an tai khu do thi thu thiem

Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM nhìn từ trên cao.

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2017, Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong 116 dự án xã hội hóa có: 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao.

Trong 11 dự án quốc gia có: 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo, 1 dự án y tế.

Riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án gồm: 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến 2020, tầm nhìn 2025 với quan điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư, gắn với bảo vệ môi trường.

Quan điểm phát triển nêu trên được cụ thể hóa thành mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn vế kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Nhiều chỉ tiêu được đề ra như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56 - 58%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GDRP bình quân hàng năm từ 35% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD/người/năm.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung kêu gọi đầu tư vào 09 nhóm ngành dịch vụ là: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Du lịch; Vận tải, cảng và kho bãi; Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản bất động sản; Tư vấn; Khoa học công nghệ; Y tế; Giáo dục và đào tạo.

Kêu gọi đầu tư vào 04 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí; Điện tử – công nghệ thông tin; Hóa chất – nhựa - cao su; Chế biến tinh lương thực thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thành phố chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Thành phố cũng quyết tâm triển khai 7 chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần X đề ra, bao gồm: Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng; Chương trình nâng cao chất lượng cạnh tranh của kinh tế thành phố trong thời kỳ hội nhập; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Trong thời gian qua, công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt kết quả tích cực, trong giai đoạn 2011-2015 có 2.404 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 10,36 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2017, giá trị vốn đầu tư nước ngoài tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt 3,29 tỷ USD.

Lan Anh