TP HCM: Còn hơn 100.000 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) TP HCM đã cho biết như trên tại phiên họp giải trình với Thường trực HĐND TP HCM về tình hình cấp GCN, cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch trên địa bàn TP, vào hôm nay 8.9.
Trong số chưa được cấp GCN, trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004 là hơn 37.400 trường; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không phù hợp quy hoạch là hơn 17.500 trường hợp; vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng chưa xử lý được là hơn 7.000 trường hợp; hơn 20.500 trường hợp người dân chưa có nhu cầu cấp GCN và hơn 26.500 trường hợp khác.
Ông Thắng cho biết đối với trường hợp người dân mua nhà đất bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004, Sở đã kiến nghị và Bộ TN-MT đã bổ sung vào Nghị định sửa đổi theo hướng sẽ cho phép cấp GCN đối với những trường hợp sau: Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất bằng giấy tay đến trước ngày 1.1.2008; nhận chuyển nhượng, tặng cho từ ngày 1.1.2008 đến trước ngày 1.7.2014 đối với đất có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng theo Điều 100 luật Đất đai; sử dụng đất do nhận thừa kế trước ngày 1.7.2014.
Khi Nghị định được ban hành, Sở sẽ hướng dẫn quận, huyện rà soát, giải quyết cấp GCN cho người dân đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định mới, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền của mình về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn...
Đối với những trường hợp lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không phù hợp quy hoạch, hiện TP đã giao cho các sở, ngành rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Do đó, những nơi nào quy hoạch có sự điều chỉnh như thu hẹp lại diện tích so với trước đây sẽ hướng dẫn người dân lập thủ tục cấp GCN.
Ông Thắng cũng cho hay đối với những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý, UBND quận, huyện rà soát xử lý cấp GCN theo điều 22, Nghị định 43. Trường hợp không đủ điều kiện công nhận nhà, tài sản gắn liền với đất thì cấp GCN đối với đất, ghi nhận tài sản gắn liền với đất để quản lý. Đối với trường hợp người dân chưa có nhu cầu cấp GCN, quận huyện rà soát lại, chủ động mời người dân đủ điều kiện lên cấp GCN ngay, những hộ dân khó khăn về tài chính có thể ghi nợ tiền sử dụng đất...
Cái gì giải quyết được thì giải quyết ngay
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cho rằng hiện TP còn hơn 100.000 trường hợp chưa được cấp GCN là khá lớn, nhất là những trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004 lên đến hơn 37.000 trường hợp. Do đó, cái gì thuộc thẩm quyền của TP giải quyết được thì giải quyết ngay còn cái gì chưa được thì kiến nghị trung ương. Nhiều trường hợp nói vướng, nhưng thực tế khi tiếp cận hồ sơ thì chúng ta cấp GCN được khi các sở ngành ngồi lại với nhau để cùng mổ xẻ ra để giải quyết. Do đó, cần rà soát cụ thể chứ không thể liệt kê rồi để đó, không đi đến cùng sự việc.
Theo bà Tâm, trong số hơn 37.000 trường hợp này có thể cấp GCN được mà không cần phải kiến nghị lên trên. Đối với hơn 17.000 trường hợp không cấp GCN được do không phù hợp quy hoạch thì Nghị quyết 16 của TP đã giao UBND TP chỉ đạo rà soát lại. Thời gian qua TP đã thu hồi hơn 500 dự án treo, đi liền với việc cấp GCN cho người dân, nhưng thực tế chưa được nhiều. “Cần bảo vệ hơn nữa quyền lợi của người dân, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai rất quý của TP. Để giải quyết được trường hợp này, Sở Quy hoạch Kiến trúc tiếp tục kiểm tra lại các đồ án quy hoạch, cái gì phù hợp thì để, cái gì không phù hợp thì dứt khoát điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi người dân. UBND các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt việc này vì dự án nằm trên địa bàn, nên sẽ biết được người dân khổ như thế nào, dự án có khả thi hay không”, bà Tâm nói.
Đối với trường hợp đủ điều kiện, nhưng người dân chưa đăng ký, chưa có nhu cầu cấp GCN, theo bà Tâm thì lý do này Sở TN-MT đưa ra không thỏa đáng. "Chúng ta phải đặt ra câu hỏi vì sao người dân chưa có nhu cầu này, có thể về thủ tục khó khăn, không có đủ khả năng đóng tiền sử dụng đất hay chúng ta chưa phổ biến cặn kẽ cho người dân hiểu quyền và lợi ích của mình", bà Tâm đặt vấn đề.
Để đẩy nhanh việc cấp GCN, theo bà Tâm Sở TN-MT phải làm sao giảm thủ tục không cần thiết, suy nghĩ rút ngắn thời gian có lợi cho dân, cho quản lý nhà nước chứ không thể đề xuất kéo dài thời gian thêm nữa. “Chậm là do ứng dụng công nghệ thông tin không tốt, còn cắt khúc, người dân thiếu thông tin và không thể tìm dữ liệu từ quận huyện đến các sở ngành. Cơ quan chức năng hướng dẫn chưa kỹ làm cho người dân cảm thấy ngại xin cấp GCN. Tình trạng chậm giải quyết hồ sơ là có thật, đúng và tỉ lệ rất cao, nên Sở TN-MT cần phải có giải pháp mạnh để giải quyết triệt để”, bà Tâm chỉ đạo.
Theo Đình Sơn
Thanh Niên