Tổng cục Thống kê: Vẫn còn áp lực lạm phát năm 2021
Đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa cho Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Trung Tiến cho rằng, Việt Nam không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm.
Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, từ đầu năm đến nay giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đều tăng nhưng mới đây Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2021 lại giảm 0,04% so với tháng 3/2021. Xin ông lý giải về điều này?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến: Theo lịch phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2021 tăng 2,7% và bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%. Kết quả này phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường.
CPI hàng tháng được chúng tôi tính dựa trên thông tin thu thập tại khoảng 40.000 điểm điều tra giá từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 752 loại hàng hoá và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến của người dân và phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình hiện nay.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1, có 4 nhóm hàng có chỉ số giá tháng 4/2021 giảm so với tháng trước, 6 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định làm cho CPI của tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng 3/2021.
Xét trong tổng chi tiêu dùng của người dân, 4 nhóm hàng giảm giá chiếm 60,1%, có 6 nhóm hàng tăng giá chiếm 34,2% và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép có giá không đổi chiếm 5,7%. Do 4 nhóm hàng giảm giá với tỷ trọng lớn đã làm cho chỉ số giá chung giảm so với tháng trước...
Bên cạnh các nhóm hàng giảm giá, các nhóm hàng tăng giá so với tháng trước đã tác động đến CPI tháng 4/2021 gồm có: nhóm giao thông tăng 0,87% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng.
Cùng với đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng; nhóm giáo dục tăng 0,03%; trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,23%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%...
Phóng viên: Xin ông bình luận chi tiết hơn về phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam hiện nay?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến: Phương pháp tính CPI chúng tôi áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của ILO ban hành năm 2020. Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.
Hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại điện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều sử dụng số liệu CPI của Tổng cục Thống kê trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều tin tưởng và thường xuyên sử dụng số liệu CPI trong nghiên cứu và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ số giá tiêu dùng được chúng tôi công bố vào ngày 29 hàng tháng trên website của Tổng cục Thống kê; bao gồm, CPI của cả nước, 6 vùng kinh tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chỉ số giá chung, chỉ số giá 11 nhóm hàng cấp 1 và chia theo khu vực thành thị, nông thôn theo 5 gốc so sánh (năm gốc 2019, cùng kỳ năm trước, tháng 12 năm trước, kỳ trước và chỉ số giá bình quân cùng kỳ).
Phóng viên: Các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021? Và chúng ta có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% do Quốc hội đặt ra hay không?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến: CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng bình quân 4 tháng thấp nhất kể từ năm 2016, đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa cho chúng ta có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm.
CPI sẽ tăng dần là do một số yếu tố chủ yếu như: các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay do việc tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới.
Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021.
Cùng với đó, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Hiện nay, giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Giá dầu Brent bình quân 4 tháng đầu năm đạt khoảng 62 USD/thùng, tăng gần 24% so với tháng 12/2020 và tăng trên 49% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 sẽ đạt khoảng 60 USD/thùng, tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2020.
Bên cạnh đó, các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên. Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay.
Do đó, các ngành, các cấp không nên chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát vào cuối năm 2021, kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp.
Mặt khác, liên Bộ Công Thương- Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung.
Quan sát kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, chúng tôi tin là mục tiêu CPI bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!