|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - Nơi ông Đoàn Ngọc Hải từ chối làm Phó Tổng, lương lãnh đạo hơn 46 triệu đồng/tháng

20:19 | 04/06/2019
Chia sẻ
Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn lãi trước thuế 152 tỉ đồng trong năm 2018, giảm 29% so với năm trước đó.

Ngày 4/6, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã nhận quyết định điều động bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn (SGCC), một doanh nghiệp Nhà nước thành lập năm 1996 theo quyết định của UBND TP HCM.

Năm 2003, UBND TP HCM quyết định sát nhập Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Thành Phố – CMC vào Tổng Công Ty Xây dựng Sài Gòn và lấy tên là Tổng Công Ty Xây Dựng Sài Gòn.

Đến 2010, UBND tiếp tục ra Quyết định số 3371 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Tổng Công Ty Xây Dựng Sài Gòn thành công ty TNHH MTV hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

SGCC chuyên thực hiện xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp; khảo sát, thiết kế và lập tổng dự toán các công trình xây dựng. Ngoài ra, công ty còn là chủ đầu tư các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.

Quản lý lương hơn 46 triệu đồng/tháng

Năm 2018, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với SGCC về báo cáo tài chính 2016 có nêu, tại thời điểm 31/12/2016, trong số 24 doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ - SGCC có 11 công ty bị lỗ lũy kế, 4 công ty dù có lãi những vẫn chưa bù đắp được lỗ lũy kế, còn lại là kinh doanh có lãi.

Nguyên nhân lỗ được SGCC lý giải là bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đá xây dựng, ngừng sản xuất và đang tiến hành các thủ tục giải thể.

Hiện SGCC chỉ có một công ty con với tỷ lệ sở hữu 100% là Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh (vốn điều lệ 89 tỉ đồng). Ngoài ra, SGCC có hai công ty con khác với tỷ lệ sở hữu 53% và 89%.

Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - Nơi ông Đoàn Ngọc Hải từ chối làm Phó Tổng, lương lãnh đạo hơn 46 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

(Nguồn: SGCC)

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018 của SGGC, Hội đồng thành viên có 4 người gồm ông Nguyễn Pôn làm Chủ tịch, ông Trần Minh Đạo làm thành viên chuyên trách, ông Nguyễn Ngọc Sơn làm thành viên chuyên trách từ ngày 22/2/2019, còn lại ông Trần Minh Khiêm làm thành viên không chuyên trách từ ngày 21/2/2019.

Ban Tổng Giám đốc gồm 3 người: ông Trần Minh Khiêm là Tổng Giám đốc cũng từ ngày 21/2, ông Mai Tuấn Kiệt và Dương Dũng Nhân làm Phó Tổng Giám đốc.

Báo các chế độ tiền lương tiền thưởng của Doanh nghiệp năm 2018 cho thấy, thu nhập bình quân của lao động thực hiện đạt gần 16,3 triệu đồng/tháng; thu nhập người quản lý 22,7 triệu đồng/tháng. Kế hoạch năm 2019 tăng thu nhập lao động lên trên 18,1 triệu đồng/tháng và quản lý là 46 triệu đồng/tháng.

Kinh doanh có dấu hiệu đi xuống

Bức tranh tài chính trong giai đoạn 2015 - 2018 của SGCC có dấu hiệu đi xuống khi lợi nhuận trước thuế 2018 giảm 28% so với 2017 và ở mức 152 tỉ đồng. Nguyên nhân là khoản lãi từ liên doanh, liên kết giảm từ 84 tỉ đồng xuống 43 tỉ đồng.

Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - Nơi ông Đoàn Ngọc Hải từ chối làm Phó Tổng, lương lãnh đạo hơn 46 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của SGCC trong 4 năm qua. (Đơn vị: Tỉ đồng, MA tổng hợp).

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của SGCC đạt 2.894 tỉ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu giảm 11% xuống 1.694 tỉ đồng trong đó vốn góp ở mức 1.096 tỉ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền 508 tỉ đồng, gấp 8,8 lần so với đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại giảm mạnh từ 608 tỉ xuống 10,8 tỉ đồng. Nguyên nhân là tiền gửi có kỳ hạn đến ngày đáo hạn. Tài sản dở dang dài hạn giảm đáng kể từ 1.003 tỉ đồng xuống 736 tỉ đồng.

Đối với nợ phải trả, nợ ngắn hạn 415 tỉ đồng, giảm 33% chủ yếu do thuế và các khoản phải nộp giảm từ 343 tỉ đồng xuống 114 tỉ đồng; trong khi đó nợ dài hạn thay đổi không nhiều khi ở mức 785 tỉ đồng.

Xét về dòng tiền, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh trong 2018 tiếp tục âm 133 tỉ đồng dù có cải thiện hơn so với 2017 (âm 217 tỉ đồng).

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư 713 tỉ đồng, trong khi 2017 âm 111 tỉ đồng nhờ tiền chi cho vay giảm mạnh từ 1.502 tỉ đồng xuống 1.042 tỉ đồng.

Lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính âm 130 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ dương 181 tỉ đồng do tiền thu đi vay giảm 224%.

Những dự án đã và đang thực hiện của SGCC

Theo giới thiệu website của SGCC, Tổng Công ty có 11 dự án đã triển khai, 1 dự án đang triển khai và 1 dự án sắp triển khai.

Còn theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh ba năm gần nhất công bố hồi tháng 4/2019 của SGCC, Tổng công ty đã và đang thực hiện triển khai khoảng 7 dự án.

Có thể kế đến như Khu Công nghiệp Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng đạt 32,45% tổng mức đầu tư dự án. Diện tích khu Bắc 376 ha; tính đến tháng 4/2019, công ty đã hoàn thành công tác san lấp.

SGCC đã hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước thực hiện đầu tư vào Khu công nghiệp Cái Mép với diện tích cho thuê khoảng 144 ha.

Một số dự án đáng chú ý như Chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và công viên cây xanh số 79B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP HCM) có diện tích hơn 29.700 m2, gồm 1.664 căn hộ và 41.351 m2 sàn thương mại hiện trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai dự án.

Dự án Khu dân cư Bình Minh - Hiệp Hưng (huyện Bình Chánh) có tổng diện tích 10.284 ha, SGCC đang thực hiện các thủ tục để triển khai.

SGCC cũng đã triển khai và đưa vào sử dụng các dự án như Cao ốc Văn phòng 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM; Căn hộ cao cấp Bình Qưới có diện tích 3.128 m2; Nhà ở xã hội tại Nguyễn Văn Luông quận 6 có diện tích 1.104 m2...

Ngoài ra, SGCC còn thực hiện các dự án khác như nhà máy chế biến gia vị PLC tại Bình Dương; bệnh viện Chợ Rẫy- Phnompenh tại Capuchia; khu nhà ở biệt thự Jamona- Lô F tại quận 7 TP HCM; bệnh viện tâm thần Cần Thơ tại TP Cần Thơ; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại quận 10, TP HCM; bệnh viện Hùng Vương (giai đoạn 2)...

Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - Nơi ông Đoàn Ngọc Hải từ chối làm Phó Tổng, lương lãnh đạo hơn 46 triệu đồng/tháng - Ảnh 3.

Phối cảnh Dự án Chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và công viên cây xanh số 79B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP HCM). (Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng)

Minh Anh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.