|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng Bí Thư giao 5 nhiệm vụ cho ngành ngân hàng trong thời kỳ mới

15:14 | 05/05/2021
Chia sẻ
Ngân hàng được Tổng Bí thư đánh giá là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.

Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế

Ngày 5/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ kỷ nhiệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam. Tham dự buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo về định hướng phát triển để ngành ngân hàng phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế.

Tổng Bí Thư cho biết, trải qua 70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 15/SL, ngày 6/5/1951, thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành đã luôn luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền tiền tệ độc lập, tự chủ của quốc gia.

Đồng thời, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng, dịch vụ ngân hàng phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững. 

Từ đó, góp phần quan trọng làm nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta như ngày nay.

Tổng Bí Thư giao 5 nhiệm vụ cho ngành ngân hàng trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò huyết mạch của nền kinh tế. (Ảnh:VGP).

Trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập, các cán bộ ngành ngân hàng đã viết nên "Huyền thoại con đường tiền tệ" đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Sau khi đất nước thống nhất, Tổng Bí thư đánh giá ngành ngân hàng đã luôn phát huy tốt vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế quốc dân, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và phân bổ nguồn lực để khôi phục, phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 35 năm đổi mới, ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi từng bước từ hệ thống một cấp sang hai cấp, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường, tách bạch rõ chức năng quản lý và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với chức năng cung ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng

"NHNN đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, biện pháp sáng tạo, có tính khả thi cao để quản lý vận hành có hiệu quả thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất", Tổng Bí thư khen ngợi.

Năm nhiệm vụ của ngành ngân hàng

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành ngân hàng cũng có những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng. Tổng Bí thư đã chỉ ra 5 vấn đề ngành cần lưu tâm để có thể tiếp tục phát huy được những thành quả đã đạt được, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời kỳ mới.

Đầu tiên, ngành ngân hàng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên trong ngành cần nghiêm túc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và về đổi mới, phát triển ngành ngân hàng nói riêng. 

Đặc biệt chú ý "Tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối", Tổng Bí thư nói.

Ngân hàng là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ hai, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành ngân hàng: "Là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội".

Từ đó, tập trung ưu tiên xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt chiến lược, kế hoạch, các chương trình hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng cụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, Tổng Bí thư khẳng định tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hướng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. 

Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống.

Đồng thời, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh và phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.

Cuối cùng, ngành ngân hàng, đặc biệt là NHNN và các tổ chức tín dụng nhà nước, cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển của ngành, của đất nước. 

Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

"Các đề xuất đổi mới phải được cấp uỷ, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền, cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn", Tổng bí thư lưu ý,


Diệp Bình