Tốn hàng nghìn tỷ đồng xây nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt
Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group - Mã: HSG) dự kiến làm dự án tổ hợp thép Cà Ná tại địa bàn xã Phước Diêm, xã Cà Ná và một phần xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Điều mà dư luận đang chú ý là Ninh Thuận là tỉnh hạn hán nặng. Báo cáo thiên tai của tỉnh tại tháng 6/2016 cho biết huyện Thuận Nam là địa phương dẫn đầu về tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở tỉnh, với 2.853 hộ/11.149 nhân khẩu bị thiếu nước. Trong khi đó, thép vốn là ngành cần nguồn nước lớn để phục vụ quá trình sản xuất.
Theo báo cáo của Hoa Sen Goup gửi tới UBND tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn đầu, nhà máy cần 33.000 m3 nước/ngày. Đến khi vận hành tất cả các hạng mục, lượng nước tiêu thụ là 180.000 m3/ngày.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group, cho biết nếu Ninh Thuận không đủ khả năng cung cấp nước cho dự án, Công ty dùng nước biển lọc thành nước ngọt.
Hiện tại Việt Nam, việc biến nước mặn thành nước ngọt được nhiều nơi áp dụng, nhưng chủ yếu là với quy mô nhỏ và phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt là chủ yếu. Với nước dùng cho sản xuất, hiện chưa có doanh nghiệp đầu tư thực hiện với quy mô lớn lên tới hàng chục hay hàng trăm nghìn mét khối mỗi ngày.
Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt và gặt hái thành công cho dù chi phí xây dựng không hề nhỏ cũng như đòi hỏi quy trình công nghệ khép kín, hiện đại.
Chẳng hạn như tại Singapore, vào năm 2015, HSL Constructor triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt thứ 3 tại quốc gia này với tổng mức đầu tư chừng 4.800 tỷ đồng.
Toàn cảnh dự án nhà máy khử nước do HSL Constructor xây dựng |
Trước đó, HSL Constructor cũng đã xây dựng 2 nhà máy khử muối khác là SingSpring và Tuaspring khử muối thực vật. Dự kiến, nhà máy thứ 3 này sẽ đi vào hoạt động năm 2017, công suất 136.000 m3 nước/ngày, đáp ứng 25% nhu cầu sử dụng nước của toàn bộ Singapore.
Tại Mỹ, nhà máy khử muối vịnh Tampa, bang Florida được xây dựng từ năm 2007 và vận hành năm 2008 với tổng mức đầu tư 3.520 tỷ đồng. Nhà máy này cung cấp 108.000 m3/ngày, phục vụ nhu cầu hơn 2,5 triệu dân. Đây cũng là nhà máy khử muối lớn nhất của Mỹ.
Nhà máy khử muối vịnh Tampa, bang Florida |
Tại Tây Ban Nha, nhà máy khử mặn lớn nhất châu Âu có tên Torrevieja được xây dựng với vốn đầu tư khoảng 9.100 tỷ đồng, công suất 240.000 m3/ngày. Nhà máy này đã phải tạm ngừng 6 năm trước khi bắt đầu xây dựng do chi phí quá lớn và chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Tây Ban Nha năm 2007.
Nhà máy khử mặn Torrevieja lớn nhất châu Âu |
Tại miền Tây Israel, khu vực giáp biển Địa Trung Hải, nhà máy khử mặn Sorek do tập đoàn IDE Technologies xây dựng với chi phí khoảng 8.900 tỷ đồng và đi vào vận hành vào năm 2013. Quần thể nhà máy rộng 10 ha, nằm ở Sorek, cung cấp 624.000 m3/ngày. Nhà máy khử mặn này được coi là lớn nhất trên thế giới, cung cấp 20% nước sinh hoạt cho Israel.
Như vậy, với chi phí tham khảo của các nhà máy khử muối trên thế giới, với công suất 180.000m3/ngày, Hoa Sen sẽ phải đầu tư khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng cho công suất chừng 180.000 m3/ngày. Chi phí này tương đương 30% vốn đầu tư giai đoạn đầu tiên của dự án tổ hợp thép Cà Ná (vốn khoảng 500 triệu USD).
Đó là chưa tính tới việc biến nước biển thành nước ngọt sẽ khiến chi phí sản xuất thép đội lên so với giá bán nước của các nhà máy. Đây chắc chắn là điều Hoa Sen cần cân nhắc cho dự án thép của mình.
Lấy ví dụ như ở Tây Ban Nha, sau khủng hoảng kinh tế năm 2007, các nhà máy lọc nước hoặc tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới công suất. Phần lớn người dân Tây Ban Nha bị thiếu nước nghiêm trọng, nhưng lại không đủ tiền để trang trải cho các chi phí xây dựng và vận hành của các nhà máy này. Đó là chưa kể, giá điện đã tăng gấp đôi kể từ năm 2004, trong khi giá nước vẫn ở mức thấp nhất châu Âu, chỉ bằng 40% chi phí sản xuất trung bình.