|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tòa nhà trái phép trên đèo Mã Pì Lèng: Bộ Văn hóa chưa nhận được văn bản xin ý kiến

08:34 | 05/10/2019
Chia sẻ
Theo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Mã Pì Lèng Panorama không nằm trong vùng bảo vệ 1 và 2 của Danh thắng quốc gia nhưng cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của bộ, và Hà Giang tới nay chưa gửi văn bản tới bộ xin ý kiến.
Tòa nhà trái phép trên đèo Mã Pì Lèng: Bộ Văn hóa chưa nhận được văn bản xin ý kiến - Ảnh 1.

Theo bộ Văn hóa -thể thao và du lịch, Hà Giang tới nay chưa gửi văn bản tới bộ xin ý kiến thẩm định đối với công trình vi phạm luật xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng này - Ảnh: Booking

Trả lời Tuổi Trẻ Online về công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng thuộc địa phận huyện Mèo Vạc, Hà Giang, Cục Di sản Văn hóa cho biết, ngày 4-10, Cục Di sản văn hóa đã nhận được văn bản báo cáo về công trình sai phạm Mã Pì Lèng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang.

Dựa trên báo cáo này cùng với các thông tin báo chí nêu và kiểm tra hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa xác định công trình Mã Pì Lèng Panorama không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 và 2 của Di tích Danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng; không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, theo Điều 32 của Luật Di sản văn hóa.

Do đó, công trình này phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, Cục Di sản văn hóa cũng khẳng định công trình này đang "vướng" Điều 36, Luật Di sản văn hóa: "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại điều 32 của luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".

Theo Cục Di sản văn hoá, công trình xây dựng này có vị trí gần khu vực bảo vệ 2 của Di tích Danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nên để chủ động ngăn ngừa triển khai các dự án xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng tới di sản theo quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa, ngày 12-7, Cục Di sản văn hóa đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt đối với công trình xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng này.

Nhưng cho đến nay, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.

Cục Di sản văn hóa cho biết, cục sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang thực hiện các biện pháp đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phương án xử lý với công trình này.

Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 3-10, chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc xác nhận công trình Mã Pì Lèng Panorama hiện chưa được cấp phép xây dựng bởi xây dựng trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương "chưa kịp" chuyển đổi mục đích sử dụng; và dự án đầu tư này cũng chưa được phê duyệt.

Còn ngày 4-10, một lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Giang cho biết ngay sau khi báo chí nêu vụ xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và huyện Mèo Vạc khẩn trương kiểm tra.

Hiện địa phương này đang kiểm tra các trình tự, thủ tục liên quan đến công trình, đồng thời xem lại mức độ ảnh hưởng của Mã Pì Lèng Panorama tới cảnh quan thiên nhiên rồi sẽ đề xuất giải pháp xử lý.

Thiên Điểu

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.