|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng tuần VN-Index rung lắc mạnh, tập trung gom cổ phiếu lớn nhóm VN30

19:59 | 22/08/2022
Chia sẻ
Trong tuần 15 – 19/8, ttổ chức trong nước đẩy mạnh mua ròng 1.634 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 1.526 tỷ.

VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch rung lắc với biên độ 10 điểm quanh khu vực 1.270 – 1.280. Áp lực chốt lời ngắn hạn liên tục gia tăng khi chỉ số chung tiến lên vùng kháng cự mạnh, đặc biệt vào phiên cuối tuần khiến cho VN-Index đánh mất mốc 1.270. Đóng tuần, VN-Index tăng 6,85 điểm tương đương 0,54% so với tuần trước.

Về diễn biễn cụ thể, sự phân hóa và rung lắc mạnh liên tục xảy ra trong 5 phiên giao dịch với việc tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Trong đó, bán lẻ và dịch vụ tài chính là 2 nhóm cổ phiếu có được mức tăng tốt. Ngược lại, bảo hiểm và du lịch 2 là ngành chịu áp lực điều chỉnh lớn nhất.

Trong tuần vừa qua, dòng tiền khối ngoại tỏ ra khá tích cực khi liên tục mua ròng với thanh khoản 525 tỷ, tập trung mua HPG, HDB, PVD cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt kỷ vọng tích cực vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tương tự, tổ chức trong nước đẩy mạnh mua ròng 1.634 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 1.526 tỷ.

Dòng tiền tổ chức nội tìm đến nhóm ngân hàng, bất động sản

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 13/18 nhóm ngành. Trong đó, lực cầu không dàn trải mà tập trung tại một số nhóm ngành có vốn hóa lớn.

Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản vươn lên thành nhóm được mua ròng mạnh nhất với giá trị là 545 tỷ đồng và 424 tỷ đồng.

Tuần qua, cổ phiếu “vua”giao dịch sôi động hơn với tỉ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 14,12% toàn thị trường, chỉ số giá ngành tăng 0,27%. Nhóm ngân hàng tuy phục hồi trong tuần nhưng vẫn giảm 12,84% từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó, dòng tiền tổ chức nội cũng xoay chuyển khi mua ròng nhóm thực phẩm & đồ uống (250 tỷ đồng) dù bán ròng mạnh nhất ngành này trong tuần trước đó.

Nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần tăng nhẹ lên 9,35%, chỉ số ngành tăng 2,29%, là ngành tăng điểm mạnh nhất thị trường trong tuần. Các cổ phiếu có giá trị giao dịch cao gồm HAG, VNM, DBC, BAF, MSN, HNG, KDC, VHC, IDI, ANV trong đó có 4/10 mã tăng điểm trong tuần.

Chỉ số dòng tiền tích lũy vào cổ phiếu thực phẩm và đồ uống đi ngang trong tuần trong khi chỉ số giá tăng mạnh, chủ yếu do lực kéo của nhóm vốn hóa lớn. Trong khi đó chỉ số dòng tiền của nhóm này trong mối tương quan với thị trường vẫn mang giá trị âm cho thấy nhóm này vẫn thu hút dòng tiền yếu hơn so với thị trường.

Ngoài ra, dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu như công nghệ thông tin (156 tỷ đồng), bán lẻ (115 tỷ đồng), du lịch và giải trí (50 tỷ đồng), hàng và dịch vụ công nghiệp (32 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (31 tỷ đồng),…

Chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí là nhóm bị tổ chức trong nước bán ròng nhiều nhất với gần 80 tỷ đồng. Tuần qua, dòng dầu khí có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhịp tăng nóng, chỉ số giá ngành giảm nhẹ 0,55%.

Cùng chiều, hoạt động rút vốn cũng được chứng kiến các ngành dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, ô tô và phụ tùng, bảo hiểm với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Tổ chức nội tập trung rót tiền vào bluechip

Thống kê theo từng mã, Top5 bán ròng của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội với giá trị gần 106,8 tỷ đồng.

Thanh khoản của SHB giảm nhẹ xuống còn gần 118 triệu đơn vị, song, đây vẫn là mức cao nhất toàn ngành, bỏ xa mức 80,1 triệu đơn vị của VPB đứng kế sau. Trái với áp lực rút vốn của các tổ chức nội, đây lại là mã thu hút dòng tiền của khối ngoại và các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Kế đến, các tổ chức nội cũng bán ròng 80,5 tỷ đồng cổ phiếu PLX của Petrolimex. Cùng chiều, hai cổ phiếu VSC và HCM bị rút ròng lần lượt 31 tỷ đồng và 30,8 tỷ đồng. Mã còn lại trong Top5 bán ròng là NLG với quy mô 24,5 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Chiều ngược lại, cổ phiếu FPT được mua ròng nhiều nhất với giá trị 163,4 tỷ đồng. Vừa qua, theo báo cáo của CTCP FPT, 7 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn đạt 23.219 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.242 tỷ đồng, tăng lần lượt 22,2% và 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ là 2.906 tỷ đồng, tăng 30,1% và EPS đạt 2.659 đồng.

Tính riêng tháng 7, FPT ghi nhận 3.390 tỷ đồng doanh thu, 605 tỷ đồng lãi trước thuế; tăng lần lượt 22% và gần 23% so với tháng 7 năm ngoái. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 416 tỷ đồng trong tháng 7

Ngoài nhóm công nghệ, nhà đầu tư tổ chức còn rót ròng hơn trăm tỷ đồng vào loạt bluechips như VHM (160,3 tỷ đồng), VNM (140 tỷ đồng), MWG (114,6 tỷ đồng) và VPB (111,4 tỷ đồng).

Linh Chi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.