Tiền đang chảy đi đâu?
Vì sao tăng trưởng tín dụng quí 1 năm nay rất cao, cao hơn bình thường, nhưng GDP lại tăng thấp? |
Tổng phương tiện thanh toán cùng thời gian trên tăng 2,88%, thấp hơn chút ít so với cùng kỳ là 3,08%, nhưng không đáng kể. Duy chỉ lãi suất tiền đồng nhích lên.
Tuần trước lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm ở mức 5,1%/năm (tăng khoảng 8 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước đó), trong khi lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng kỳ hạn là 5,4%/năm. Những phiên gần đây, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 15, 20 và 30 năm tương đối thành công. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm hiện ở mức 7,9%/năm. Đây là mức đỉnh của đường cong lãi suất trái phiếu trong vòng 12 tháng qua.
Đáng chú ý là khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trái phiếu. Từ đầu năm đến nay họ đã mua ròng 12.047 tỉ đồng.
Việc lãi suất có nhích lên được ghi nhận chủ yếu ở các kỳ hạn tiền gửi dài và thanh khoản của ngân hàng nhìn chung khá ổn định. Vậy câu chuyện đang khiến giới tài chính phải để mắt đến là gì?
Đó chính là tăng trưởng GDP quí đầu tiên của năm nay chỉ đạt 5,1%, so với 6,12% của quí 1-2015 và 5,48% của quí 1-2016. Rải rác đã xuất hiện một số tiếng nói lo âu của doanh nghiệp về mức tăng GDP. Một số tập đoàn bất động sản cho rằng nếu GDP hai quí liền ở mức dưới 6%, khả năng tiêu thụ sản phẩm của họ có thể gặp trở ngại.
Điều mà không ít chuyên gia kinh tế và các chuyên viên hoạch định kinh tế đang cố gắng lý giải là vì sao tăng trưởng tín dụng quí 1 năm nay rất cao, cao hơn bình thường nhưng GDP lại tăng thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều vào tín dụng. Tỷ lệ tín dụng so với GDP năm 2012 ở mức 95,2%; năm 2013 là 97%; năm 2014 chẵn 100% và năm 2015 là 111,1%. Mức này cao hơn hẳn so với các nước khu vực. Nếu tín dụng đứng yên, hoặc giảm hoặc tăng thấp mà GDP xấp xỉ 5% thì có thể hiểu được. Đằng này không phải thế. Dư nợ tín dụng tính ra số tuyệt đối đến cuối năm 2016 theo NHNN đạt 5,5 triệu tỉ đồng. Mức tăng tín dụng quí 1 vừa qua không dưới 154.550 tỉ đồng, con số không hề nhỏ.
Còn nếu xét về tổng phương tiện thanh toán, mức tăng 2,88% tương đương 205.228 tỉ đồng (tổng phương tiện thanh toán cuối năm ngoái theo NHNN đạt 7,126 triệu tỉ đồng). Một lượng tiền lớn đã được bơm vào lưu thông không chỉ để đảm bảo thanh khoản mà còn hỗ trợ sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Có hai câu hỏi đặt ra ở đây: hoặc tiền chảy vào nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa hiệu quả dẫn đến tăng trưởng GDP không như mong muốn, hoặc tiền đã không vào nền kinh tế mà vào hay đọng lại ở một số vùng trũng nào đó. Vậy tiền chảy đi đâu?
Có ý kiến cho rằng tiền đang được sử dụng để bù đắp cho những khoản nợ xấu không đòi được. Lập luận này không phải không có lý. Giả sử ngân hàng XYZ có 10.000 tỉ đồng nợ xấu. Số nợ này không sinh lời nhưng ngân hàng XYZ vẫn phải trả lãi cho nó và quan trọng là vẫn phải dành ra số tiền tương đương từ nguồn vốn huy động để vào một chỗ, sẵn sàng “túc trực” trả cho người gửi tiền một khi các khoản tiền gửi đáo hạn. Đó là tiền “chết”. Nếu ý kiến này khớp với thực tế, thì liệu chúng ta có thể đong đo bao nhiêu phần trăm trong mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đã đi vào số tiền “chết nói” trên?
Trong tờ trình dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu mà NHNN trình Chính phủ, tỷ lệ nợ xấu được thừa nhận 8,86%, tức khoảng 487.300 tỉ đồng. Chỉ cần một phần năm trong số này là nợ xấu thậm tệ, coi như không có khả năng thu hồi, thì sẽ cần gần 100.000 tỉ đồng để bù đắp cho tiền “chết”, bằng chừng một nửa mức tăng tổng phương tiện thanh toán quí 1.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng vốn đã được doanh nghiệp sử dụng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh và chu kỳ đầu tư kéo dài, không thể ngay lập tức mang lại kết quả trong ba tháng. Kết quả sẽ thể hiện trong thời gian tới. Sẽ chẳng có lý giải nào tốt hơn sự chờ đợi và con số GDP quí 2 sẽ tự nó nói lên nhiều điều.
Trên nền tảng các chỉ số vĩ mô còn ẩn chứa băn khoăn, thị trường chứng khoán đã phản ứng bằng tâm trạng nghi ngờ và lên xuống lình xình. Các blue-chips cần bứt phá để tạo đà cho VN-Index vượt lên khỏi vùng 725 điểm, song động lực nào để chúng vượt lên? Thị trường đang cần thông tin hỗ trợ trong cả ngắn hạn và trung, dài hạn.
Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, quý 1/2017, các cân đối vĩ mô về cơ bản được đảm bảo, thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định,thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo. Các chỉ tiêu tiền tệ tăng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và các giải pháp điều hành của NHNN; đến ngày 30/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,52%, tín dung đối với nền kinh tế tăng 4,03% so với đầu năm.