|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thủy Tạ kế hoạch tăng vốn lên 10 lần lên 300 tỉ đồng, thay thế toàn bộ HĐQT

18:05 | 17/05/2019
Chia sẻ
Kế hoạch tăng vốn của Thủy Tạ nhằm phục vụ mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất kem hiện tại.
Thủy Tạ kế hoạch tăng vốn lên 10 lần lên 300 tỉ đồng, thay thế toàn bộ HĐQT - Ảnh 1.

Nhà hàng Thủy Tạ nằm cạnh hồ Gươm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, CTCP Thủy Tạ (Mã: TTJ) đang có kế hoạch tăng vốn gấp 10 lần từ 30 lên 300 tỉ đồng.

Công ty cho biết hiện dây chuyền sản xuất kem và nước tinh khiết thương hiệu Thủy Tạ đã lạc hậu, công suất thấp không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Do đó để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu kem, nước tinh khiết Thủy Tạ công ty cần triển khai nhà máy kem hiện đại, nâng cấp dây chuyển sản xuất nước tinh khiết. Việc tăng vốn nhằm huy động tài chính cho kế hoạch đầu tư này.

Năm 2018, Thủy Tạ đạt 102 tỉ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ bán kem và doanh thu nhà hàng chiếm tỉ trọng chính lần lượt 46 tỉ đồng (giảm nhẹ 3%) và 35 tỉ đồng (tăng 4%), doanh thu từ bán đá và nước đá 4,6 tỉ đồng và doanh thu khác trên 16 tỉ đồng.

Công ty lãi sau thuế 2,3 tỉ đồng, giảm 60% so với năm trước đó, lợi nhuận này sẽ được giữ lại để đầu tư nhà máy. 

Kết quả kinh doanh của các nhà hàng trong hệ thống của Thủy Tạ

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Thủy Tạ tổ chức cuối tháng 5 tới đây trình kế hoạch doanh thu 109 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 6,9 tỉ đồng.

Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ trình lên tờ trình miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS nhiệm kỳ 2018 – 2022, trước đó nhóm này đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm vào ngày 16/5. HĐQT Thủy Tạ xin thông qua nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm từ 2019 – 2024, số lượng thành viên HĐQT 3 người và BKS 3 người.

Thủy Tạ cũng sẽ xin ý kiến sửa đổi nhiều nội dung trong điều lệ công ty theo hướng dẫn của Thông tư 95 năm 2017 của Bộ Tài chính áp dụng đối với các công ty đại chúng.

Tính đến thời điểm 10/5/2019, cổ đông lớn nhất tại Thủy Tạ là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu 51,2% vốn điều lệ; phần còn lại được phân chia cho 4 cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Rồng vàng Thái Bình Dương 11,2% vốn điều lệ; ông Nguyễn Mạnh Hà 10,3% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 10% vốn điều lệ và bà Nguyễn Minh Hương 9,4% vốn điều lệ. Được biết, ACB đang có nhu cầu thoái vốn tại Thủy Tạ nhưng chưa thực hiện được.

CTCP Thủy Tạ, tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ thành lập từ năm 1958, là thương hiệu truyền thống và nổi tiếng của Hà Nội. Năm 2008, Thủy Tạ trở thành công ty đại chúng và hiện được biết đến là một thành viên trong Tập đoàn BRG. 

Bạch Mộc