|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thương hiệu ngoại thay đổi thói quen ăn uống của người Việt thế nào?

08:28 | 29/10/2016
Chia sẻ
Ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, người dân thường thích đi ăn ngoài. Có nhiều lựa chọn cho họ từ các xe hàng ăn, quán vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng.
thuong hieu ngoai thay doi thoi quen an uong cua nguoi viet the nao
Hàng dài người chờ trước cửa hàng McDonald ở TP HCM hồi mới khai trương vào tháng 2/2014. Sau khi khai trương, thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ này nhận được sự hưởng ứng khổng lồ, với 20.000 người đến mỗi ngày. Ảnh: Getty

Không bỏ lỡ trào lưu, các công ty nước ngoài đang đổ xô đến Việt Nam thời gian gần đây, làm thay đổi cục diện thị trường đồ ăn thức uống và đem tới cho người Việt thêm nhiều lựa chọn.

Một báo cáo mới từ hãng nghiên cứu Decision Lab mới đây đã tiết lộ những thói quen ăn uống thú vị đang thay đổi của người tiêu dùng Việt nhờ sự xuất hiện của thương hiệu ngoại. Báo cáo cũng chỉ ra cho công ty nước ngoài làm thế nào để thu lợi từ thị trường ngày càng hấp dẫn này.

Ví dụ, cho đến nay bữa sáng là bữa ăn mà người Việt có xu hướng đi ăn ngoài nhiều nhất. Ngoài ra, vào những dịp quan trọng, người dân địa phương thích đi thành nhóm đông đến những nhà hàng theo phong cách phương Tây.

Kết quả khác của báo cáo cho thấy với người Việt, địa điểm tiện lợi vẫn là yếu tố quan trọng nhất khi chọn nhà hàng, hơn cả chất lượng hay hương vị món ăn.

Hiện tại, có khoảng 7% quán ăn mang phong cách phương tây ở Việt Nam, bao gồm các hãng đồ ăn nhanh như McDonald, KFC hay Burger King.

Tuy nhiên, nhãn hàng ngoại vẫn gặp không ít thách thức. Đó là nhận định của Katrin Roscher, một trong những tác giả của báo cáo. "Nhà hàng phương Tây rất hấp dẫn với các gia đình, nhưng khi sự mới lạ ban đầu dần cũ đi, người dân địa phương vẫn có xu hướng quay về với các lựa chọn mang tính châu Á", bà nói.

Theo bà, lý do chính là đồ ăn phương Tây vẫn được xem là nhạt nhẽo nếu so với thực phẩm địa phương vốn giàu gia vị và các loại rau ăn kèm. Để đối phó với điều này, nhiều nhãn hàng ngoại đang địa phương hóa thực đơn của mình. Ví dụ, gần đây McDonald bắt đầu phục vụ bánh mì, bên cạnh món cơm.

"Điều này sẽ giúp xóa nhòa ranh giới", bà Roscher nói. "Khi khách hàng đến nhà hàng, lần đầu họ có thể ăn cơm nhưng lần sau họ có thể chọn burger".

Công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh thu ngành thực phẩm. Tại một đất nước nơi mà cứ 10 người dân thành thị thì 9 người vào mạng Internet thông qua smartphone và wifi thì có mặt khắp nơi, đặt món trực tuyến chiếm khoảng một nửa trong số các đơn hàng giao món. Nhờ đó, các nhãn hàng có thể mở rộng về mặt địa lý mà không cần thiết lập một cửa hàng mới

Tuy nhiên, dường như những người sử dụng smartphone nhiều nhất là giới trẻ cũng là đối tượng khó tính nhất. Khảo sát của Decision Lab cho thấy khi phỏng vấn khách hàng trên 35 tuổi, có 73% hài lòng với bữa ăn kiểu phương Tây gần nhất của họ. Trong khi đó khi phỏng vấn nhóm từ 15 đến 34 tuổi, tỷ lệ hài lòng thấp hơn ở 63%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng khi gợi ý một địa điểm ăn uống cho bạn bè, người địa phương rất hay nhắc đến một nhà hàng mang thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, việc này cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố tuổi tác. Thực khách lớn tuổi hơn có xu hướng thích gợi ý nhà hàng nhiều gấp đôi so với nhóm trẻ.

Vân Vũ