|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thuế vẫn tính đủ, du lịch khó kích cầu lớn để phục hồi

22:39 | 06/05/2020
Chia sẻ
Ngành du lịch đã khởi động lại sau thời gian dài tạm ngưng vì COVID-19. Doanh nghiệp đang chuẩn bị các chương trình kích cầu dành cho thị trường quan trọng là nội địa nhưng nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó khăn trong việc giảm giá dịch vụ và đưa ra các giải pháp kích cầu, nếu các đơn vị trong ngành không được giảm thuế.
Thuế vẫn tính đủ, du lịch khó kích cầu lớn để phục hồi - Ảnh 1.

Du khách đi tour Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Long

Le lói tia hy vọng

Có thể nói, kỳ nghỉ dài bốn ngày gồm lễ 30-4, 1-5 và hai ngày cuối tuần vừa qua đã giúp nhiều doanh nghiệp du lịch "thở phào" vì thị trường đã có chút hy vọng sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh.

Tuy lượng khách vẫn còn rất ít, không thể so sánh với dịp bình thường nhưng dòng du khách đi nghỉ lễ sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã mang lại sinh khí cho các điểm du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết...

Thậm chí, một số khách sạn ở Đà Lạt, Hồ Tràm, Long Hải báo hết chỗ; ở Phan Thiết có khách sạn báo lấp đầy hơn 70% cơ số phòng dù chỉ mới mở cửa trở lại được vài ngày.

"Chúng tôi không nghĩ là khách đi du lịch trở lại nhanh như thế nên không kịp mở cửa vào lễ này", chủ một khu nghỉ dưỡng (resort) ở Phan Thiết nói với TBKTSG Online và cho biết bà từng lo ngại vì thu nhập giảm sút, du khách sẽ hạn chế chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho du lịch và sẽ không đi du lịch trong khi dịch bệnh vẫn còn như hiện tại.

Một số doanh nghiệp lữ hành cũng có ý kiến tương tự, cho rằng có thể xem kỳ nghỉ lễ vừa qua là “phép thử” về mức độ phản hồi của thị trường nội địa, giúp doanh nghiệp bớt nỗi lo là có thể thị trường sẽ rất khó khởi động trở lại sau thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Ông Phạm Hà, Tổng giám đốc (CEO) của Luxury Travel Group, cho biết trước 30-4, chỉ một ngày mở bán tour du thuyền Hạ Long - Cát Bà khuyến mãi, lượng khách đăng ký tour đã kín cho trong dịp lễ và cả tháng 5-2020.

"Thị trường phản hồi tốt. Du khách cuồng chân và muốn đi du lịch cho nên cơ hội phục hồi sẽ rất lớn nếu doanh nghiệp bắt đúng xu hướng", ông nói.

Theo ông, xu thế sau dịch sẽ là đi du lịch gần, an toàn và giá phù hợp. Những người đi du lịch theo nhóm nhỏ, khách lẻ sẽ đi du lịch khi kết thúc giãn cách xã hội và các đường bay được nối lại. Các đoàn lớn sẽ hồi phục vào năm 2021.

Công ty Du lịch TST Tourist cũng cho biết du lịch trong nước đã có tín hiệu tích cực từ đầu tháng 5-2020. Công ty đã có hợp đồng cung cấp dịch vụ cho hội nghị ở Cần Thơ; cuối tuần này có nhóm khách nhỏ đi Vũng Tàu.

Thêm vào đó, các hợp đồng lớn đã ký hồi đầu năm sẽ tái khởi động vào cuối năm nay và đầu năm 2021. Công ty cũng đang chờ tình hình dịch bệnh yên ổn hơn nữa để tổ chức tour cho 6.000 người của một doanh nghiệp nội thất phía Bắc.

Thuế vẫn tính đủ, du lịch khó kích cầu lớn để phục hồi - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp ngành lữ hành, khách sạn, nhà hàng... cho biết sẽ không có doanh thu trong quí 2-2020 Đồ họa: Đào Loan

Không giảm thuế sẽ khó kích cầu

Tuy đã có một số tín hiệu khả quan từ thị trường nhưng tình hình chung của các doanh nghiệp trong ngành du lịch và liên quan đến du lịch vẫn sẽ rất khó khăn trong quí 2-2020 cũng như cả năm nay.

Theo khảo sát do Hội đồng Tư Vấn Du lịch kết hợp với một số đơn vị khác thực hiện hồi tháng 4-2020, có đến 50% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ không có doanh thu trong quí này; 27,4% doanh nghiệp được hỏi cho biết dự kiến doanh thu chỉ bằng 1-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tình hình khó khăn như hiện nay, mọi kỳ vọng đổ dồn về thị trường trong nước. Nhiều địa phương, doanh nghiệp xác định đây là thị trường quan trọng nhất và cần thực hiện kích cầu trên quy mô lớn, với các chương trình giảm giá mạnh để thúc đẩy luồng khách nội địa đi du lịch sau dịch.

Chiều nay (6-5), Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã họp trực tuyến với các hiệp hội du lịch trên cả nước để bàn về chương trình kích cầu trên quy mô lớn. Hiệp hội kỳ vọng hàng loạt tour trọn gói sẽ giảm từ 40-50% so với giá bình thường và có thể công bố chương trình vào giữa tháng 5 này.

Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết rất muốn thực hiện chương trình có quy mô lớn như thế nhưng sẽ khó đưa ra được nhiều tour giảm giá mạnh như kỳ vọng vì các dịch vụ khác chưa giảm tương ứng.

"Đơn cử như giá khách sạn, nhiều nơi vẫn tính giá rất cao thì dù lữ hành có giảm hết lợi nhuận vẫn không thể  giảm giá tour trọn gói đến vài chục phần trăm", bà Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, cho biết.

Doanh nhân này ví dụ, dịp lễ vừa rồi, dù khách mới trở lại nhưng nhiều khách sạn ở khu vực Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn áp dụng tăng giá vào cuối tuần và lễ. Giá phòng ngày thường ở resort loại tốt là 2,3 triệu đồng/đêm phòng, đến cuối tuần lên 3,3 triệu đồng, ngày lễ đến 4,3 triệu đồng nên rất khó làm tour kích cầu.

Ông Hà của Luxury Travel Group cũng cho rằng hiện giá tour khó giảm sâu vì giá nhà hàng, xe, khách sạn... chưa giảm mạnh. Thêm vào đó, các địa phương tuy nói sẽ cùng kích cầu nhưng chưa có chương trình cụ thể, chưa kể giá vé máy bay trong thời điểm này cao hơn so với trước.

"Cần phải có chính sách đồng bộ để cứu du lịch. Doanh nghiệp, địa phương đều phải tham gia và đặc biệt là phải có chính sách thuế từ nhà nước", ông nói.

Nhiều doanh nhân cũng có ý kiến này, cho rằng nếu không có chính sách thuế ưu đãi từ chính phủ thì rất khó để thực hiện các chương trình giảm giá, kích cầu lớn giúp du lịch phục hồi sau Covid-19.

Trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề xuất hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Trong đó, có miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp du lịch và tiêu dùng du lịch trong quí 1, 2 và 3-2020; giảm 50% VAT cho quí 4 năm nay và quí 1-2021; cho doanh nghiệp và người lao động chậm nộp nhiều loại thuế đến tháng 6-2021...

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn còn chờ chính sách.

Đào Loan