|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thực hư thịt lợn Mỹ nhập về giá 1 USD/kg

10:28 | 14/08/2019
Chia sẻ
Thời gian gần đây rộ lên thông tin thịt lợn giá rẻ chỉ vài ba chục nghìn đồng/kg từ Mỹ ào ạt tràn vào Việt Nam có nguy cơ bóp chết ngành chăn nuôi trong nước? Thực tế câu chuyện này như thế nào, NNVN vào cuộc điều tra tìm hiểu.
Thực hư thịt lợn Mỹ nhập về giá 1 USD/kg - Ảnh 1.

Giá niêm yết sản phẩm thịt lợn tại hệ thống bán lẻ Walmart Mỹ.

Sau khi việc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đi vào ngõ cụt, đáp lại tuyên bố ngày 1/8 của Tổng thống Mỹ Donal Trump đánh thuế 10% lên toàn bộ 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại, phía Trung Quốc ngay lập tức trả đũa bằng việc hủy mua lô thịt lợn Mỹ lớn nhất từ trước đến nay khối lượng lên tới xấp xỉ 15.000 tấn.

Trước đó, Trung Quốc cũng hủy mua nhiều lô thịt lợn và các loại nông sản khác từ Mỹ nhằm phản ứng lại hành động áp thuế từ phía Mỹ. 

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một phức tạp, nhiều chuyên gia lo ngại thịt lợn giá rẻ từ Mỹ sẽ chuyển hướng tràn vào Việt Nam thời gian tới với giá chỉ xung quanh 1 USD/kg.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan công bố, 6 tháng đầu năm 2019, có trên 5.600 tấn thịt lợn được nhập khẩu qua Hải quan TP.HCM, tương đương kim ngạch 10,3 triệu USD, tăng về lượng gần 4.800 tấn và tăng 8,1 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ 2018, tương đương mức tăng gần 6 lần. 

Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Brazil 2.368 tấn với kim ngạch 4,39 triệu USD; Mỹ 874 tấn kim ngạch 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn là 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn...

Qua nguồn thông tin chúng tôi nắm được, các sản phẩm thịt nhập khẩu về Việt Nam qua cảng Phước Long, Cát Lái (TP.HCM) và Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu) thời gian vừa qua rất đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại, giá cả khác nhau.

Cụ thể, thịt thăn lợn, cốt lết lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 16 EUR, tương đương 417.000 đồng/kg; thịt filet lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 14 EUR, tương đương 385.000 đồng/kg.

Trong khi thịt thăn, cốt lết, phi lê rất đắt thì các sản phẩm chân lợn, tai lợn, đuôi lợn từ Mỹ lại rất rẻ, giá 1 USD/kg, tương đương 23.238 đồng/kg; chân giò cắt khúc từ Úc giá 1 USD/kg, tương đương 23.238 đồng/kg; phụ phẩm lợn đông lạnh có xương, xương sườn lợn hiệu Skiba từ Ba Lan giá 1 USD/kg (Cảng Cái Mép, Bà Rịa Vũng Tàu), tương đương 23.238 đồng/kg.

Chúng tôi vào trang web bán hàng của hai hệ thống bán lẻ lớn nhất nước Mỹ là Walmart và 7 Eleven và nhận thấy các sản phẩm thịt lợn có giá niêm yết đều dao động bình quân từ 6 - 10 USD/kg. 

Cụ thể, thịt lợn thăn không xương 4,88 USD/pound, sườn heo kiểu đồng quê 3,97 USD/pound, thịt lợn xương sườn 2,74 USD/pound, sườn Ribeye không xương 2,98 USD/pound… (1 pound = 0,45kg).

Trao đổi với chúng tôi về việc tại sao thịt lợn bên Mỹ giá rất cao mà thịt lợn Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam lại khá rẻ, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, có thể do phân loại thịt trên con lợn và thói quen văn hóa tiêu dùng khác nhau.

Theo đó, tại Mỹ và các nước phương Tây sản phẩm thịt thăn, ba chỉ, vai thường đắt nhất bởi theo họ các sản phẩm thịt này chứa ít hàm lượng cholesterol tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, các sản phẩm thịt mông, sườn thì có giá rẻ hơn một chút. 

Các sản phẩm tai, chân giò, thịt thủ, thịt vụn, nội tạng được coi là phụ phẩm nên giá bán rất rẻ.

Thực hư thịt lợn Mỹ nhập về giá 1 USD/kg - Ảnh 2.

Các sản phẩm thịt thăn, vai, ba chỉ tại Mỹ giá rất đắt nhưng tai, mông, chân giò, thịt thủ, nội tạng lại rất rẻ.

Ông Nguyễn Xuân Dương thừa nhận, đúng là 6 tháng đầu năm 2019 lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018, đạt trên 8.000 tấn. 

Nhưng nếu so sánh con số 8.000 tấn thịt lợn nhập khẩu với sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn không phải là con số quá lớn nên những tác động của thịt nhập khẩu lên thị trường thịt lợn trong nước chưa thực sự rõ ràng.

Nhưng về lâu dài, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cần tăng cường kiểm soát chất lượng thịt lợn nhập khẩu khi Việt Nam mở cửa thị trường ngày càng lớn và giờ không thể ngăn cấm hàng hóa nước khác vào nước ta theo kiểu bế quan tỏa cảng được, kinh nghiệm hiện nay từ Trung Quốc là bài học quý cho Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, tới đây Việt Nam cần phải xây dựng được những hàng rào kỹ thuật cho phù hợp nhằm hạn chế một số sản phẩm thịt chất lượng kém, cận hạn sử dụng, sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, bởi nếu để những loại thực phẩm này tràn về, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới người chăn nuôi trong nước mà sức khỏe người tiêu dùng cũng nguy cơ bị đe dọa.


Nguyên Huân