|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thực hư câu chuyện 'các siêu thị kinh doanh đều lỗ'

20:09 | 28/04/2019
Chia sẻ
Cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra các siêu thị để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về hạch toán và báo cáo sai sự thật.

Gần đây, báo chí nêu tên một số các trang bán hàng trực tuyến, siêu thị mini, cửa hàng tự chọn và các siêu thị kinh doanh đều bị lỗ, con số lỗ ở những siêu thị lớn như Citimart, Fivimart,... đến hàng trăm tỷ đồng, Lotte lỗ hàng nghìn tỷ đồng… nghe mà thấy sốt ruột, không hiểu họ kinh doanh như thế nào?

Kinh doanh lỗ lớn và liên tục nhiều năm như thế mà một số chuỗi bán lẻ hiện đại như Lotte, Metro, Big C… vẫn có kế hoạch phát triển thêm nhiều mạng lưới bán lẻ trong thời gian tới, ai nghe cũng thấy lạ.

Siêu thị lớn “Ngồi mát ăn bát vàng”

Thực ra trong kinh doanh thương mại, chuyện lỗ lãi là bình thường, nếu quản trị doanh nghiệp kém, hàng hóa ứ đọng, doanh số không đạt tới mức giới hạn hòa vốn thì sẽ dẫn tới lỗ là một điều chắc chắn.

Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp báo cáo lỗ không đúng thực tế, qua kiểm tra, nếu họ hạch toán khống các giá trị thiết bị đầu tư vào siêu thị và các chi phí khác trong lưu thông, dẫn tới khấu hao tài sản khống, từ đó chi phí lưu thông cũng tăng lên một cách vô lý, sai sự thực.

Thực hư câu chuyện các siêu thị kinh doanh đều lỗ - Ảnh 1.

Các siêu thị nghiễm nhiên được hưởng đến 35% – 40% trên doanh số bán 1 mặt hàng tại siêu thị.

Một thủ đoạn khác là một số đơn vị có 2-3 loại sổ sách khác nhau dẫn tới doanh thu báo cáo nhỏ hơn thực tế, chi phí lại "vống" lên làm cơ sở cho việc báo cáo "lỗ" với cơ quan thuế và họ không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Những năm trước đây, Metro là một ví dụ điển hình, họ đã bị kiểm tra và truy thu trên 500 tỷ đồng các khoản do vi phạm việc chuyển giá hạch toán nộp ngân sách. Đó là một bài học về công tác quản lý các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước của Việt Nam.

Trên thực tế ở thị trường bán lẻ Việt Nam không phải như công bố “tất cả các siêu thị đều lỗ”. Aeon, Saigon Coop, Hapro,… vẫn có báo cáo lãi với mức độ khác nhau. Nếu đi vào hạch toán cụ thể sẽ thấy, lãi gộp mà một số siêu thị lớn có thế mạnh đàm phán, thậm chí ép chiết khấu cộng các chi phí vô lý khác cho nhà cung ứng.

Chỉ cần tính riêng lãi gộp bình quân của các siêu thị khi áp dụng mức chiết khấu với nhà cung ứng bình quân đã là từ 25% - 30%. Ngoài ra họ còn thu các khoản khác như chi phí nhập hàng lên tới hàng trăm triệu hoặc trăm nghìn USD trên đầu 1 doanh nghiệp sản xuất, hoặc nhà cung ứng để hàng hóa được xuất hiện trên kệ siêu thị.

Cộng thêm các khoản khác như phí tạo mã hàng chục triệu đồng, phí gian hàng, phí đầu kệ, phí sinh nhật, kế toán, chi phí vốn của nhà cung ứng bị họ chiếm dụng, bình quân 10 - 15 ngày do hàng đã bán được mà chậm thanh toán. Cộng các khoản trên cho ta thấy các siêu thị nghiễm nhiên được hưởng đến 35% – 40% trên doanh số bán 1 mặt hàng.

Cần phải nói rõ thêm là có đến 70% - 80% mặt hàng đang bày bán ở siêu thị của họ đều không phải bỏ vốn vay để kinh doanh, đa phần hàng hóa đó là hàng kí gửi, lỗ lãi thuộc nhà gửi hàng. Họ có lẽ chỉ chịu trách nhiệm 20% hàng hóa mà họ bỏ vốn tự mua mà thôi. Như vậy, tỷ lệ rủi ro về lỗ kinh doanh của siêu thị là rất thấp và khá an toàn.

Siêu thị kêu lỗ, ai kiểm tra?

Từ bài toán đơn giản trên cho ta thấy, đa số các siêu thị khó mà có thể bị lỗ và lỗ lớn được trong nhiều năm như báo chí đã thông tin. Hiện nay, rất khó để tìm được các thông tin về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách của các siêu thị trên thị trường Việt Nam, chắc chỉ có cán bộ chuyên quản lý thuế và bản thân siêu thị nắm được mà thôi.

Còn một thực tế khá phổ biến ở thị trường Việt Nam nói chung và các siêu thị nói riêng, đó là bán hàng hầu hết không xuất hóa đơn VAT theo quy định. Nhiều quầy bán hàng hóa hoặc ăn uống dịch vụ tại tầng 1 của các siêu thị không có máy tính tiền và cũng không xuất hóa đơn VAT, chỉ thu bằng tiền mặt. Câu hỏi đặt ra là siêu thị quản lý và hạch toán tài chính của các quầy cho thuê này như thế nào?

Thực hư câu chuyện các siêu thị kinh doanh đều lỗ - Ảnh 2.

Rất khó để tìm được các thông tin về doanh thu, lợi nhuận trước thuế hay trích nộp ngân sách của các siêu thị trên thị trường Việt Nam.

Những khái quát trên có thể thấy, tính minh bạch, công khai cạnh tranh bình đẳng giữa các hệ thống bán lẻ nói chung và các siêu thị trên thị trường nội địa Việt Nam là có vấn đề. Những đơn vị bán lẻ nghiêm túc sẽ bị thiệt thòi bởi sự cạnh tranh không bình đẳng này. Cho nên, việc "các siêu thị đều lỗ" chỉ là hiện tượng được nêu một cách chung chung, không thể kết luận vội vàng qua những công bố đó.

Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước như Kiểm toán, Quản lý thị trường, Tài chính phải vào cuộc làm rõ để phân biệt doanh nghiệp nào lỗ thật, doanh nghiệp nào lỗ giả - lãi thật. Cần tiến hành kiểm tra trong thời gian sớm nhất để nếu có những vi phạm về hạch toán và báo cáo sai sự thật, những đơn vị đó phải bị thu hồi tiền thuế nộp ngân sách cho nhà nước và bị xử lý như đã làm với Metro trước đây.

Những đơn vị qua kiểm tra nếu làm ăn nghiêm túc, hạch toán trung thực sẽ được biểu dương và làm cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu bán lẻ chân chính trên thị trường nội địa Việt Nam.

CTV Vũ Vinh Phú

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.