Thủ tướng: Sắp nới room ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg TV |
Việt Nam sẽ nâng giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng càng sớm càng tốt ngay trong năm nay, nhằm đẩy nhanh quá trình cải cách hệ thống ngân hàng và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy kinh tế.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc phỏng vấn với kênh Bloomberg TV hôm thứ Sáu vừa rồi.
"Chúng tôi sẽ nâng trần đồng thời mở rộng cánh cửa tiếp cận vào thị trường chứng khoán. Chính phủ sẽ cố gắng thực hiện ngay trong năm nay", Thủ tướng nói.
Hiện Việt Nam duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong các ngân hàng ở mức 30%, đồng thời đang tìm kiếm thêm nguồn đầu tư để tăng cường sức mạnh cho hệ thống tài chính. Nhiều ngân hàng đang đương đầu với vấn đề nợ xấu gia tăng.
Thủ tướng chưa cụ thể hóa về việc sẽ nới room lên bao nhiêu, nhưng gợi ý rằng chính phủ sẽ bán những ngân hàng gặp vấn đề. Thủ tướng dẫn ra ví dụ về ngân hàng Ocean Bank. Hồi 2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Ocean Bank, là một trong những ngân hàng yếu kém mà Chính phủ muốn bán ngay lập tức.
"Bây giờ, nếu có nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm đến việc mua bất cứ ngân hàng nào trong bốn ngân hàng yếu kém của Việt Nam, chúng tôi sẽ bán toàn bộ", ông nói.
Bước đi tích cực
Việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ lớn hơn trong các ngân hàng sẽ thu hút thêm nguồn vốn cho nền kinh tế, đồng thời giúp Chính phủ giải quyết vấn đề nợ xấu. Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen từ ngân hàng Natixis SA chi nhánh Hong Kong. "Đó sẽ là bước đi tích cực", nữ chuyên gia này nhận xét.
Việt Nam thành lập công ty chuyên xử lý nợ xấu VAMC từ năm 2012 để mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng, giúp giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 2,5% tính đến tháng 11 vừa rồi, sau khi có lúc lên tới 17%. Tuy vậy, số liệu của World Bank hồi tháng 7/2016 cho biết khối lượng nợ xấu đã được giải quyết chưa đến 5%.
Bên cạnh nới room ngoại trong ngân hàng, chính phủ cũng đang đẩy mạnh thoái vốn tại các công ty nhà nước không hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại hai công ty Bia rượu nước giải khát hàng đầu là Sabeco và Habeco. Trước đó, hồi cuối 2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã bán 78,4 triệu cổ phần tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk.
Vốn đầu tư nước ngoài
Nói với Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết muốn biến Việt Nam thành một trong bốn nền kinh tế thân thiện nhất với nhà đầu tư tại khu vực Đông Nam Á ngay trong năm nay. Hiện Chính phủ đang đưa ra nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thuế cũng như tăng tiếp cận điện năng và đất đai.
"Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Chúng tôi có lực lượng lao động rất trẻ và chúng tôi sẽ cần đào tạo họ, đảm bảo là họ đã sẵn sàng". Chúng tôi cũng sẽ tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng", Thủ tướng cho biết.
Hiện vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, biến Việt Nam thành một trong những trung tâm sản xuất của Đông Nam Á. Một trong những công ty dẫn đầu cho xu hướng đầu tư này là Samsung Electronics. Hồi năm ngoái, số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt con số kỷ lục 15,8 tỷ USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hơn 6%.
Vốn đầu tư nước ngoài "phi mã" trong những năm qua. |
Thủ tướng dự báo tăng trưởng "sẽ còn cao hơn" kể từ năm nay, với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7% đến năm 2020.
"Mục tiêu này đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường cải cách nền kinh tế trong mọi lĩnh vực", Thủ tướng nói. "Chúng tôi cũng cần giảm thiểu nạn tham nhũng, hối lộ, phát triển đội ngũ các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, những người có thể đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, thực hiện những mục tiêu mà Việt Nam từng cam kết trong các thỏa thuận thương mại", Thủ tướng nói tiếp.
"Sau 30 năm đổi mới, cho đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Cải cách kinh tế vẫn diễn ra chậm chạp, dẫn đến năng suất yếu kém và thu nhập thấp".