Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn Nhật là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam
Trước khi đến Việt Nam, Thủ tướng Nhật mang theo 8,66 tỷ USD đến Philippines | |
Thủ tướng Nhật Bản sắp thăm Việt Nam |
Tại buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét quan hệ hai nước đang phát triển tốt. Nhật là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác FDI lớn thứ hai, nguồn khách du lịch đứng thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ 4 với Việt Nam.
Thủ tướng cũng cho biết từ khi gặp Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe vào tháng 5/2016, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư thêm 2 tỷ USD FDI vào Việt Nam. Việc này đã đưa tổng vốn đầu tư của Nhật Bản lên 42 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia đổ tiền vào Việt Nam.
Cảm ơn sự đóng góp của doanh nghiệp Nhật, người đứng đầu Chính phủ cho rằng Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để phát triển cơ hội này. Đó là tăng mở cửa nền kinh tế, cải tiến luật pháp, ổn định vĩ mô và chính trị - xã hội, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu lên nhóm đầu ASEAN về đầu tư năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tọa đàm sáng nay. Ảnh: Giang Huy
"Nhật Bản phải là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam", Thủ tướng kỳ vọng và cho biết Việt Nam luôn khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hóa, cơ sở hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, du lịch), nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế tạo... Ông cũng muốn Nhật Bản tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
Thủ tướng Shinzo Abe thì nhận xét: “ASEAN hiện là trung tâm tăng trưởng của thế giới và Việt Nam nằm ở trung tâm đó”. Ông đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào sự phát triển của Việt Nam thông qua đầu tư, tạo việc làm và chuyển giao công nghệ. Ông cho biết hai Thủ tướng đã đồng ý mở rộng thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe đánh giá cao vai trò trung tâm tăng trưởng của ASEAN và Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
Trước đó, trong phiên thảo luận giữa doanh nghiệp hai nước, đại diện nhiều công ty Nhật Bản và Việt Nam đã giới thiệu hoạt động kinh doanh và tiềm năng của mình để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Buổi tọa đàm có cả sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam và những công ty chưa kinh doanh tại đây.
Ông Endo Satoshi - Chủ tịch Endo Seisakusho cho biết mở rộng sang Việt Nam đã giúp họ có cơ hội tăng quy mô lao động và cải thiện kết quả kinh doanh. Trong khi đó, Chủ tịch công ty Ohno Seiko - ông Ohno Takahisa đánh giá cao nhân lực Việt Nam, dù nhiều người còn chủ nghĩa cá nhân và tâm lý sẵn sàng nhảy việc, khiến quá trình đào tạo tập trung của các công ty gặp khó. Các công ty Nhật Bản muốn Việt Nam hỗ trợ giải quyết vấn đề về luật pháp, hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng, viễn thông và đẩy mạnh thanh toán điện tử.
Hơn 20 công ty Việt Nam tham gia buổi tọa đàm này. Trong đó có nhiều công ty lớn, như Vietinbank, FPT Software, Viglacera hay VEC. Các doanh nghiệp đều muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước và cam kết hỗ trợ đối tác Nhật Bản. Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software còn nhận định Nhật Bản đang thiếu nhân lực và cần nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Vì vậy, ông muốn Nhật Bản tạo điều kiện để nhân lực Việt Nam được đào tạo và làm việc dễ dàng hơn tại đây.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Văn Trung và Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản - Hasegawa Eiichi đều cho rằng cả hai nước có cơ hội hợp tác rất lớn trong thời gian tới. Vì vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ để các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động hiệu quả hơn.