|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thủ tướng Hy Lạp yêu cầu giảm nợ trước khi tiếp tục 'thắt lưng buộc bụng'

07:16 | 10/04/2017
Chia sẻ
Athens đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế của mình trong cuộc họp ngày thứ Sáu vừa rồi của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu tại Malta về các yếu tố then chốt của gói cải cách.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua cho biết, Hy Lạp sẽ áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng bổ sung đã thống nhất với các chủ nợ chính thức của mình với điều kiện giảm thêm nợ, điều sẽ đưa nước này trở lại chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Athens đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế của mình trong cuộc họp ngày thứ Sáu vừa rồi của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu tại Malta về các yếu tố then chốt của gói cải cách, trong đó có thể mở ra các quỹ cứu trợ cho nước này để giúp hoàn trả các khoản nợ tới hạn trong tháng 7.

Phát biểu với hội đồng trung ương đảng cánh tả Syriza của mình, ông Tsipras cho biết, các biện pháp giảm nợ trung hạn có thể bao gồm việc đưa Hy Lạp vào chương trình nới lỏng định lượng (của ECB), và một con đường tài chính không thể thực hiện, là điều kiện cho Hy Lạp để áp dụng các biện pháp mà nước này đã đề ra.

Athens đồng ý thực hiện các biện pháp như cắt giảm chi tiêu chính phủ dành cho lương hưu thêm 1% sản lượng nền kinh tế năm 2019, một năm sau khi chương trình cứu trợ trị giá 86 tỷ euro hiện hành hết hạn.

Nước này cũng cam kết cải cách thuế trong năm 2020 để tăng nguồn thu tương đương với 1% GDP, chủ yếu bằng cách giảm giảm ngưỡng thuế thu nhập hiện tại.

Để các thỏa thuận dễ chịu hơn cho Hy Lạp, các lãnh đạo nhất trí rằng nếu vượt mức mục tiêu tiết kiệm ngân sách, Athens sẽ được phép áp dụng các biện pháp nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Theo ông Tsipras, những gì được quyết định ở Malta giúp cho khả năng Hy Lạp thoát khỏi sự giám sát hiện ra trước mắt. "Sau Malta, con đường mở ra cho các biện pháp đặc biệt nhằm giảm nợ. Điều này sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng khủng hoảng đã ở phía sau chúng tôi".

Hy Lạp đang đặt mục tiêu thặng dư ngân sách trước khi đạt mức nợ vay 3,5% GDP vào năm 2018, mức cho phép duy trì trong "trung hạn". Tuy nhiên chưa có thỏa thuận nào thống nhất được "trung hạn" là khi nào.

Tsipras cho biết thỏa thuận đạt được ở Malta cho phép chính phủ của ông tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp cứu trợ nhằm giải quyết đói nghèo, thất nghiệp và xây dựng một nhà nước xã hội.

Phương Nguyễn