Thủ tướng đôn đốc cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh bất hợp lý
Ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ vừa ký văn bản 413/TTg-TH yêu cầu các Bộ, cơ quan triển khai ngay một số công việc liên quan cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, nghiên cứu cắt giảm các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện mà không cần thiết quản lý.
Bộ này cũng sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình rà soát, đánh giá các điều kiện đầu tư kinh doanh; định kỳ báo cáo Chính phủ hàng Quý.
Bộ Tài chính được giao khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Quy trình về thủ tục hải quan cũng cần đổi mới cho phù hợp với những quy định mới về quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại nhiều Bộ được Chính phủ yêu cầu phải có "cải cách toàn diện", bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời rà soát toàn bộ các quy định về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong các Luật có liên quan, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ những quy định chồng chéo, không đồng bộ, không hợp lý về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ giao báo cáo về việc xây dựng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh theo trình tự, thủ tục rút gọn trong Quý II/2018. Việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy.
Phương án, lộ trình cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý cũng được yêu cầu khẩn trương xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS (còn 42 danh mục hàng hóa chưa ban hành) thuộc phạm vi quản lý, kiểm tra chuyên ngành của Bộ mình; hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu ở khâu thông quan để thuận lợi trong việc áp dụng quản lý rủi ro (còn khoảng 34% danh mục hàng hóa phải KTCN chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật).
Văn phòng Chính phủ chủ trì làm việc với các Bộ quản lý chuyên ngành, đề xuất cụ thể cách thức quản lý, kiểm tra đối với danh mục hàng hóa chồng chéo, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra của nhiều Bộ, cơ quan, đơn vị thuộc một Bộ, bảo đảm nguyên tắc một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành và do 1 Bộ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra chuyên ngành.