|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: ADB cùng 1 đối tác tư nhân Việt Nam có kế hoạch mua lại 1 ngân hàng yếu kém

13:09 | 09/12/2016
Chia sẻ
Ngoài ra, Thủ tướng cho biết ADB có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém (mua lại với giá 0 đồng).
thu tuong adb cung 1 doi tac tu nhan viet nam co ke hoach mua lai 1 ngan hang yeu kem
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn. Ảnh: Dân trí.

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 sáng nay (9/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi xin tiết lộ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một đối tác tư nhân của Việt Nam cũng đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém (mua lại với giá 0 đồng)”.

Cho rằng vấn đề nợ xấu ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Đặc biệt Việt Nam sẽ phát triển thị trường mua bán nợ.

Cùng với đó Thủ tướng kêu gọi các đối tác như Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ Chính phủ Việt Nam giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

Về điểm "nóng" nợ công được quan tâm tại diễn đàn hôm nay, Thủ tướng khẳng định sẽ hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ. Chính phủ đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Bởi theo người đại diện Chính phủ, vấn đề này là thách thức lớn đối với kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam cũng cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo; đưa kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu năm 2017 các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4.

Cùng với đó, Thủ tướng xác định trọng tâm là cải cách chính sách, trong đó, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chi phí thực hiện các thủ tục này. Từ đó, giảm nhũng nhiễu, tiêu tực, phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng cũng cam kết tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, cùng với đó, sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả cạnh tranh. Trước các đối tác, Thủ tướng cam đoan, riêng với các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu sẽ xem xét cho bán hoặc phá sản theo quy định pháp luật.

Trước các ý kiến tham vấn chính sách phát triển từ các tổ chức quốc tế, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam trân trọng các ý kiến và thâm vấn của các tổ chức quốc tế trong quá trình cải cách nền kinh tế, phát triển và hội nhập sâu rộng của Việt Nam.

"Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phấn đấu mức tăng GDP bình quân đạt 6,5 - 7% giai đoạn 2016 - 2020", Thủ tướng nói.

Thái Hoàng

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.