|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thứ trưởng Xây dựng quan ngại ngân hàng cho vay 'dồn cục' vào vài dự án lớn

08:30 | 16/10/2016
Chia sẻ
“Dù nằm trong giới hạn an toàn nhưng có biểu hiện tín dụng bất động sản đổ nhiều vào phân khúc cao cấp và thậm chí là tập trung vào 1 số dự án lớn của một số chủ đầu tư, đây là điều đáng quan ngại" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nói.

Ông Đỗ Đức Duy đã nhận định như trên trong cuộc họp ngày 6/10 tại TP HCM. Đây là buổi họp về tình hình quản lý xây dựng tại địa bàn TP với sự tham gia của các lãnh đạo cao nhất Bộ Xây dựng và TP HCM.

thu truong xay dung quan ngai ngan hang cho vay don cuc vao vai du an lon
Một chung cư cao cấp tại TP HCM (Nguồn: Infonet)

Tại buổi họp, khi được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đề nghị cho ý kiến, ông Đỗ Đức Duy - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định rằng TP HCM là đô thị có thị trường bất động sản (BĐS) sôi động nhất, do đó những biến động tại đây cũng sẽ tác động đến thị trường của cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy cả nước có hơn 4.140 dự án với quy mô vốn khoảng 4,5 triệu tỉ đồng, diện tích dự án 103.000ha với 460 triệu m2 sàn, tương đương 3tr căn hộ. Trong khi đó riêng TP HCM đã có 1.219 dự án với tổng diện tích 5.000ha, 45 triệu m2 sàn, tương đương 316 ngàn căn.

“Với quy mô như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường của cả nước, do đó việc quản lý kiểm soát thị trường tại TP HCM rất quan trọng’ – ông Duy cho hay.

Nhận định về thị trường BĐS tại đây ông Duy cho biết hiện đang có xu thế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của 2015, với giá tương đối ổn định, chưa tăng nóng, tuy nhiên đã xuất hiện tăng giá thông qua chủ đầu tư thứ cấp hoặc môi giới.

Ông cũng cho rằng việc cung cầu tại TP đang có biểu hiện “lệch pha” khi dư thừa phân khúc cao cấp nhưng lại thiếu phân khúc bình dân giá rẻ, và nếu TP không kiểm soát tốt tốc độ đầu tư thì có khả năng cung vượt cầu ở phân khúc cao cấp là xảy ra trong tương lai gần.

Riêng về tín dụng, Thứ trưởng Duy cho biết hiện tín dụng trong BĐS của toàn hệ thống chiếm khoảng 10%, và như vậy vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế (khoảng 12%). Tuy nhiên ông nhận định rằng tỷ lệ này đang tiệm cận đến giới hạn mà “hết sức phải quan tâm”.

“Dù nằm trong giới hạn an toàn nhưng có biểu hiện tín dụng BĐS đổ nhiều vào phân khúc cao cấp và thậm chí là tập trung vào 1 số dự án lớn của một số chủ đầu tư, đây là điều đáng quan ngại. Thị trường tăng trưởng ổn định nhưng tiềm ẩn rủi ro nếu TP không kiểm soát tốt” – ông Duy cho biết.

Từ các lập luận trên ông Duy kiến nghị TP quan tâm quản lý kiểm soát thị trường bằng cách thực hiện ba nhóm công cụ chính bao gồm:

Thứ nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển nhà ở để điều tiết được quy mô và cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là nguồn cung của đất đai trong thị trường sơ cấp. Thứ 2 là sử dụng các công cụ về thuế, chính sách tài khóa và tín dụng. Thứ ba là kiểm soát mức độ rủi ro trên thị trường bằng cách đưa các điều kiện gia nhập thị trường của các doanh nghiệp như: điều kiện huy động vốn, điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai…

“Đề nghị TP tập trung vào các nhóm công cụ kiểm soát này, trước hết sớm ban hành kế hoạch phát triển nhà ở vì chỉ khi đó mới xác định được nguồn cung bao nhiêu, nhu cầu bao nhiêu và chúng ta mới có quyết định nguồn cung đưa ra thị trường” – ông chia sẻ và cho biết Bộ đánh giá rất cao vừa rồi TP đã công khai các dự án đang thế chấp tại ngân hàng, theo ông “đây chính là vai trò của nhà nước và các sở ban ngành trong việc kiểm soát rủi ro”.

“Hiện TP có 51 dự án nhà ở xã hội, chiếm khoảng 3% diện tích của toàn dự án bất động sản, với quy mô khoảng 48.000 căn hộ. Tuy nhiên đây chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ và thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Số liệu Viện nghiên cứu phát triển TP cho biết từ nay đến năm 2020 nhu cầu là 81.000 căn nên đề nghị TP quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, quy hoạch các khu nhà ở xã hội, và rà soát lại quỹ đất, dành cho các dự án nhà ở xã hội (theo quy định phải chiếm 20% trong các dự án nhà ở thương mại)”.

“TP muốn chỉ định chủ đầu tư khi cải tạo chung cư cũ thì nên có quy hoạch trước khi thực hiện. Kinh nghiệm ở Hà Nội cho thấy nếu chỉ định chủ đầu tư rồi chủ đầu tư mới lập quy hoạch và xác định quy mô rồi đàm phán với người dân thì rất khó, nếu ta lập được quy hoạch và công khai các chỉ tiêu thì lúc ấy dù là chủ đầu tư nào miễn có đủ năng lực sẽ được lựa chọn, khi đó đề xuất chủ đầu tư sẽ thuyết phục hơn” – Thứ trưởng Đỗ Đức Duy.

Theo Nguyễn Cường


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/