Thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội: liệu có khả thi?
Nhìn chung, nghĩa vụ nộp thuế của người bán hàng qua MXH đã được quy định khá rõ ràng. Người bán hàng qua MXH có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khó xác định doanh thu tính thuế
Thách thức lớn hiện nay là việc xác định thu nhập kinh doanh của người bán hàng qua MXH để làm căn cứ tính thuế. Cơ quan nhà nước hiện khó kiểm soát các giao dịch TMĐT của người bán hàng trên MXH trong bối cảnh tập quán giao dịch bằng tiền mặt là phổ biến ở Việt Nam.
Hiện nay, có hai phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh, bao gồm phương pháp thuế khoán và phương pháp tính thuế theo từng lần phát sinh. Cá nhân kinh doanh phải chủ động đến cơ quan thuế để đăng ký mã số thuế cho mục đích kê khai, nộp thuế.
Cơ sở tính toán mức thuế thu nhập cá nhân cơ bản được xác định dựa trên các kê khai trên tờ khai thuế của cá nhân kinh doanh và một số nguồn dữ liệu của ngành quản lý thuế, ví dụ như nguồn thông tin tích hợp tập trung của ngành thuế, các dữ liệu xác minh, khảo sát, kiểm tra, thanh tra thuế, hay dữ liệu ý kiến công khai, tham vấn của hội đồng tư vấn thuế, sổ bộ thuế tại từng chi cục thuế địa phương.
Các phương pháp thu thuế dựa trên sự tự nguyện kê khai của người bán hàng, bên cạnh hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành của cơ quan thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tính tự giác kê khai thuế của người bán hàng rất thấp. Trong khi đó, cơ sở vật chất và nhân sự của cơ quan thuế phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, truy thu thuế chưa theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của hoạt động TMĐT hiện nay, dẫn đến tình trạng chưa thể xác định và thu thuế đầy đủ đối với việc kinh doanh qua MXH.
Bỏ ngỏ MXH hoạt động TMĐT qua biên giới
Xu hướng tận dụng MXH thành phương tiện giao dịch kinh doanh ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Bài toán thu thuế người bán hàng qua MXH cần được đặt trong cùng bối cảnh quản lý các trang MXH cũng như các trang TMĐT nói chung.
Một trong những khó khăn của cơ quan quản lý đối với việc thu thuế người bán hàng qua MXH là việc tiếp cận thông tin liên quan đến người bán hàng và hoạt động kinh doanh của họ trên MXH. Điều này cần sự hợp tác và hỗ trợ của chủ sở hữu MXH.
Dưới góc độ pháp lý, cần xem xét nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu MXH phối hợp và hợp tác với cơ quan nhà nước trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến người bán hàng.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BTC, các MXH cho phép người tham gia được mở các gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ, hay cho phép người tham gia được lập các trang web nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ, hay có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ phải tiến hành đăng ký với Bộ
Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT. Thương nhân, tổ chức thiết lập các MXH này phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, luật hiện hành bỏ ngỏ các MXH nước ngoài có hoạt động TMĐT, nhưng được thiết lập dưới tên miền quốc tế mà không phải là tên miền Việt Nam, với hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, sở hữu và vận hành bởi thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại ở Việt Nam.
Hiện nay, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT có quy định điều chỉnh MXH nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới cho người sử dụng Việt Nam. Tuy nhiên, các văn bản này không điều chỉnh hoạt động TMĐT của người bán hàng qua MXH. Mặt khác, trách nhiệm yêu cầu đối với chủ sở hữu MXH cung cấp thông tin qua biên giới ở mức hạn chế, không ràng buộc nghĩa vụ cụ thể liên quan đến việc hợp tác và hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin liên quan đến người bán hàng trên MXH.
Trong khi đó, thực tế cho thấy các MXH hay các trang web mà có người bán hàng đông đảo nhất lại chính là các MXH và trang web nước ngoài được sở hữu bởi pháp nhân nước ngoài, được thiết lập dưới tên miền quốc tế và có máy chủ ở nước ngoài (như Facebook, Google, Amazon...).
Điều này cho thấy khoảng trống của pháp luật hiện hành trong việc quản lý các MXH nước ngoài cũng như những khó khăn đối với việc ràng buộc và thực thi các nghĩa vụ của chủ sở hữu MXH nước ngoài đối với nhà nước Việt Nam nói chung và cơ quan thuế Việt Nam nói riêng.
Giải pháp
Chế tài xử lý hiện nay đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế là khá nặng. Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có thu nhập đến mức chịu thuế nhưng không nộp thuế, không khai thuế, khai sai có thể bị phạt hành chính theo số lần tính trên số tiền trốn thuế, gian lận thuế. Hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế có thể bị phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước (điều 11 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP). Nếu trốn thuế từ 50 triệu trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, gian lận thuế (điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, thực tế cho thấy người bán hàng qua MXH hiện nay chủ yếu là các cá nhân, công ty buôn bán quy mô nhỏ, tự phát. Thu nhập từ kinh doanh trên MXH thường không lớn, không ổn định và có thể không phải là thu nhập chủ yếu. Một bộ phận lớn bán hàng trên MXH là những người khởi nghiệp, tức đội ngũ cần được tạo điều kiện khuyến khích, được hỗ trợ tài chính và giảm gánh nặng thuế ở những mức độ phù hợp theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và vừa. Như vậy, việc tặng “củ cà rốt” cho người bán hàng qua MXH để họ tự nguyện kê khai, nộp thuế nên được ưu tiên trong chính sách hiện hành để giải quyết vấn đề thu thuế nhưng vẫn thúc đẩy và khuyến khích dân doanh. Pháp luật trước tiên cần quy định cơ chế đơn giản, thông thoáng và mang tính khích lệ người bán hàng để họ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đây cũng là nguyên tắc thu thuế người bán hàng qua MXH được đa số quốc gia trên thế giới ưu tiên áp dụng. Tại các quốc gia phát triển, các khoản thu nhập phát sinh vượt ngưỡng cũng đều phải kê khai và nộp thuế. Cơ chế thực thi và kiểm soát thuế của nước họ cũng chủ yếu dựa vào sự tự giác kê khai nộp của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển có các ưu thế để bảo đảm việc kê khai, nộp thuế của người bán hàng qua MXH là đầy đủ và chính xác. Hầu hết các giao dịch ở nước họ đều được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng thay vì dùng tiền mặt là phương tiện thanh toán chính. Các nước phát triển thường thiết lập các đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp chuyên giám sát và thực hiện truy thu đối với những cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các trang TMĐT...
Vận dụng vào Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng biện pháp khuyến khích giao dịch thanh toán trực tuyến, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt nhằm giải quyết nhiều mục tiêu quản lý vĩ mô chứ không chỉ riêng quản lý thuế. Có như vậy, đối với quản lý thuế, việc giám sát, kiểm soát được dòng tiền thông qua các tài khoản ngân hàng của người dân có thể giúp xác định chính xác hơn doanh thu kinh doanh của người bán hàng.
Ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp liên ngành với các ngân hàng trung gian thanh toán. Đặc biệt, cần có cơ chế pháp lý chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu MXH (nhất là các MXH nước ngoài hoạt động thông tin và TMĐT qua biên giới cho người sử dụng Việt Nam) trong việc hỗ trợ và phối hợp với cơ quan quản lý thuế. Theo đó, pháp luật về TMĐT cũng cần được hoàn thiện để bổ sung quy định điều chỉnh các đối tượng này.