Thu thập số liệu nhiều doanh nghiệp quân đội, công an khi rà soát GDP
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam sau khi đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4% so với số liệu đã công bố.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê, cho biết khi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, có thêm 76.000 doanh nghiệp. Đa phần trong số này đến từ kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế.
Các doanh nghiệp bổ sung thêm nằm ở nhiều ngành khác nhau, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ (chiếm khoảng 70%). Bên cạnh đó, ngành thống kê cũng thu thập được số liệu của 136 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Sau rà soát tính lại GDP, bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao trước đó tính toán GDP lại bỏ sót một lượng doanh nghiệp như vậy. Ông Lâm khẳng định nguyên nhân đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Theo ông Lâm, điều tra thống kê là hình thức thu thập chủ yếu của ngành thống kê. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên hàng năm nên Tổng cục Thống kê chỉ có thể tổ chức điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm và cứ 5 năm mới tổ chức tổng điều tra toàn bộ một lần.
Về góc độ sử dụng dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin thống kê, cũng có những bất cập về số liệu
Trước đây, khi chưa có sự chia sẻ số liệu giữa Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê, số liệu về số lượng doanh nghiệp chênh nhau khá lớn. Mỗi cơ quan có chức năng thu thập số liệu doanh nghiệp phục vụ cho các mục đích và theo các tiêu chí khác nhau.
Đến gần đây, giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê đã có sự hợp tác, chia sẻ số liệu nên số liệu về doanh nghiệp đã được cập nhật, bổ sung mới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định việc công bố số liệu đánh giá lại quy mô GDP cho phép cơ quan chức năng, chuyên gia tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn, phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực của nền kinh tế.
“Việc tính lại GDP để thấy rõ đất nước mình đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới", ông Lâm nói.