|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu hút FDI 10 tháng đạt hơn 27 tỷ USD, vốn đăng ký điều chỉnh tăng gần 42%

13:57 | 05/11/2024
Chia sẻ
Trong 10 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. 

Cụ thể, có 2.743 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) tăng 1,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 12,23 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ; có 1.151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 6% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ; và có 2.669 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 10,4% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ.

FDI 10 tháng năm 2024 theo tháng. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 17,1 tỷ USD, chiếm gần 62,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 13,5% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và gần 1 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

 Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch GVMCP (chiếm 41,9%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 66,8%).

Xét theo đối tác đầu tư, có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn đầu tư, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2023 . Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông,…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,8%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và GVMCP (chiếm 25,7%).

Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,7 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,15 lần cùng kỳ.

Tiếp theo là TP HCM với gần 2,1 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,98 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội,…

Nếu xét về số dự án, TP HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41,9%) và GVMCP (chiếm 70,9%). Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,3%)

FDI 10 tháng năm 2024 theo địa phương.  Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài) 

Ít dự án có vốn đầu tư mới từ 100 triệu USD trở lên

Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 10 tháng, tổng vốn đầu tư đăng ký tiếp tục tăng so với cùng kỳ, song mức tăng nhẹ (1,9%), giảm 9,7 điểm phần trăm so với 9 tháng. Vốn đầu tư điều chỉnh duy trì mức tăng mạnh (41,7%) so với cùng kỳ.

Song vốn đầu tư mới lại giảm 2,5% mặc dù số dự án đầu tư mới vẫn tăng nhẹ 1,4%. Nguyên nhân chính là do các dự án đầu tư mới có quy mô nhỏ, chỉ có số ít dự án có vốn đầu tư từ trên 100 triệu USD đến hơn 300 triệu USD. Trong khi đó, tháng 10 năm 2023 có ba dự án có vốn đầu tư lớn từ trên 500 triệu USD đến 1,5 tỷ USD.

Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Bắc Ninh, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,9% số dự án mới và 70,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng.

Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 10 tháng năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ Châu Á. Riêng 5 nước dẫn đầu (Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông) đã chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 76,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

"Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn , năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn",  Cục Đầu tư nước ngoài thông tin. 

Về vốn thực hiện, tính đến 31/10, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngọc Bảo

Data Talk ‘Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025’
Cùng chuẩn bị những hành trang đầu tư cho 2025, những phân tích hữu ích của các chuyên gia trên nền tảng dữ liệu quy mô hàng đầu - những gì bạn cần cho quyết định đầu tư trong năm 2025. Tất cả có trong Data Talk số tháng 12/2024 với chủ đề "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025".