Thu hẹp hoạt động - điểm nhấn của ngành viễn thông toàn cầu
Chạy đua “chinh phạt” thị trường thế giới
Mãi đến thập niên 1990, ngành viễn thông thế giới vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các công ty nhà nước. Tuy nhiên, làn sóng tư nhân hóa kết hợp với cơn bùng nổ công nghệ điện thoại di động vào cuối thập niên này đã tạo điều kiện thuận lợi để các hãng viễn thông tư nhân thực hiện tham vọng phủ sóng toàn cầu.
Vodafone (Anh) là hãng viễn thông dẫn đầu cuộc chạy đua mở rộng sự hiện diện ra khắp thế giới khi tăng gấp bốn lần quy mô thị trường chỉ trong 18 tháng bằng cách chi gần 200 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm hãng viễn thông AirTouch (Mỹ) và hãng viễn thông Mannesmann (Đức) liên tiếp vào các năm 1999 và 2000.
Vodafone cũng giành được nhiều giấy phép xây dựng mạng lưới viễn thông mới ở các thị trường khắp châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương.
Chris Gent, cựu Giám đốc điều hành Vodafone, cho biết cuộc mở rộng thị trường này được thúc đẩy bởi công nghệ di động GMS. Bắt đầu từ đầu thập niên 1990, hãng này đã tập trung xây dựng các mạng lưới 2G, mở ra cơ hội khai thác thị trường dịch vụ dữ liệu và điện thoại di động ở các nước chưa có mạng di động.
Các đối thủ khác cũng gia nhập cuộc đua với Vodafone. Hãng viễn thông Deutsche Telekom (Đức) tiến vào thị trường Mỹ vào năm 2001 khi chi 35 tỉ đô la để thâu tóm hãng viễn thông Voicestream (giờ đây được đổi tên thành T-Mobile USA).
Trong khi đó, hãng viễn thông Orange (tên gọi cũ France Telecom) của Pháp xâm nhập vào các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ ở châu Phi và Đông Âu, còn hãng viễn thông CK Hutchison (Hồng Kông) chi hàng tỉ đô la để lắp đặt các mạng viễn thông mới khắp châu Âu nhằm cạnh tranh doanh thu dữ liệu 3G.
Các hãng viễn thông Bắc Âu và Nga tiến về phía Đông, bao gồm các thị trường ở Nam Á và lục địa Á-Âu. Hãng viễn thông Telenor của Na Uy giành được giấy phép xây dựng mạng viễn thông ở Myanmar vào năm 2013 và đó cũng là lúc hãng này chấm dứt nỗ lực mở rộng thị trường toàn cầu.
Khi mà chỉ còn một số ít nước như Ethiopia và Iran vẫn chưa bị các hãng viễn thông nước ngoài xâu xé, công cuộc toàn cầu hóa của ngành viễn thông dường như đã xong xuôi vào thời điểm đó.
Thu hẹp hoạt động vì hiệu quả thấp
Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới nhưng phần lớn các cuộc “chinh phạt” thị trường toàn cầu của các hãng viễn thông chỉ mang lại hiệu quả rất thấp dù tiêu tốn hàng tỉ đô la.
Cách đây 9 năm, hãng viễn thông Telia (Thụy Điển) chinh phục đỉnh cao nhất của thế giới với sự kiện khai trương dịch vụ 3G trên đỉnh Everest bằng cách lắp đặt một trạm cơ sở ở độ cao 5.200m. Đó hóa ra là khoảnh khắc báo hiệu cao trào của hai thập kỷ chạy đua “cắm cờ” của ngành viễn thông châu Âu ở mọi ngóc ngách trên hành tinh.
Tham vọng mở rộng ra thị trường quốc tế của Telia chấm dứt hồi năm 2017 khi hãng này chấp nhận nộp phạt cho các cơ quan quản lý ở Mỹ và Hà Lan gần 1 tỉ đô la để dàn xếp các cáo buộc đưa hối lộ ở Uzbekistan nhằm giành hợp đồng viễn thông ở nước này.
Khoản tiền phạt khổng lồ này đã mở đầu cho thời kỳ thu hẹp mạng lưới hoạt động rộng khắp thế giới của Telia. Telia đã bán tài sản ở nhiều thị trường gồm Nepal, Azerbaijan, Nga, Tajikistan, Kazakhstan, Georgia, Campuchia, Tây Ban Nha.
Christian Luiga, Giám đốc điều hành Telia, nói: “Cá nhân tôi cho rằng mở rộng thị trường là một chiến lược sai lầm”.
Trong thập kỷ qua, thu hẹp các hoạt động trở thành câu chuyện chính của ngành viễn thông. Telefonica (Tây Ban Nha) là hãng viễn thông mới nhất của châu Âu chấm dứt tham vọng toàn cầu sau khi cân nhắc bán toàn bộ mảng kinh doanh ở các nước Mỹ-Latin (ngoại trừ Brazil).
Hôm 10-1, hãng này thông báo chọn thuê Ngân hàng Morgan Stanley để tư vấn và đánh giá các phương án đối với mảng kinh doanh viễn thông ở Argentina, Chile, Colombia, Ecuador, Mexico, Peru, Uruguay và Venezuela, bao gồm bán tài sản, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc tìm kiếm đối tác để liên doanh.
Telefonica đã chi hơn 110 tỉ đô la để xây dựng mạng lưới viễn thông ở các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ, vốn đóng góp đến 50% tổng doanh thu của công ty này vào năm 2012.
Jose Maria Alvarez-Pallete, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Telefonica, cho biết các đột phá công nghệ trong mô hình kinh doanh viễn thông truyền thống khiến hãng này phải xem xét rời bỏ thị trường Mỹ-Latin.
Ông nói: “Các nguồn doanh thu của chúng tôi đã cạn kiệt. Công nghệ đang thay đổi mọi thứ. Chúng tôi phải xây dựng con đường riêng để tiến lên phía trước”.
Trong khi đó, đầu năm 2019, Telenor đàm phán để sáp nhập mảng kinh doanh ở châu Âu vào hãng viễn thông Axiata của Malaysia nhưng không thành công. Những gì đã trải qua với hãng viễn thông BT (Anh) trong nỗ lực mở rộng mạng lưới mới là sóng gió nhất.
Chi nhiều tỉ đô la để mua các giấy phép 3G ở khắp châu Âu nhưng giấc mơ thống lĩnh thị trường viễn thông khu vực của BT sụp đổ do gánh nặng nợ nần.
Vụ bê bối kiểm toán xảy ra ở công ty con của BT tại Ý vào năm 2016 là giọt nước tràn ly khiến BT đi đến quyết định bán gần một nửa mạng lưới viễn thông ở 60 thị trường nước ngoài để tập trung vào thị trường trong nước.
Vodafone với 434 triệu thuê bao trên toàn cầu vào năm 2014, cũng bắt đầu rút lui khỏi các thị trường xa xôi. Tốc độ thu hẹp thị trường toàn cầu của Vodafone diễn ra chậm hơn.
Năm 2006, Vodafone bán mảng viễn thông ở Nhật Bản cho Tập đoàn SoftBank. Một năm sau đó, hãng này tiến vào thị trường Ấn Độ và nhanh chóng đạt mốc 200 triệu thuê bao nhờ khoản đầu đầu tư 20 tỉ đô la.
Nhưng quyết định gia nhập thị trường đông dân thứ hai thế giới giờ đây trở thành cơn ác mộng đối với Vodafone khi đối thủ Reliance Jio bất ngờ xuất hiện và thâu tóm thị phần bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí.
Vodafone buộc phải sáp nhập với đối thủ Idea Cellular vào năm 2018 để cải thiện sức cạnh tranh. Hồi tháng 10-2019, Vodafone đe dọa rút khỏi thị trường Ấn Độ sau khi tòa án tối cao nước này ra phán quyết buộc Vodafone phải trả khoản tiền thuế hồi tố 4 tỉ đô la.
Sự thống trị trên thị trường truyền thông giờ đây chuyển sang một thế hệ công ty khác dẫn đầu là Google, Apple và Facebook, đang tận dụng mạng lưới đường truyền và trạm thu phát tín hiệu của các hãng viễn thông để thâu tóm phần lớn miếng bánh lợi nhuận của thị trường số hóa.
Chris Gent, cựu Giám đốc điều hành Vodafone, nói: “Khách hàng cảm thấy gắn kết với điện thoại iPhone chứ không phải một mạng lưới viễn thông nào cả. Các mạng lưới viễn thông không tạo ra được sự khác biệt”.