Thiếu mặt bằng thi công, dự án cải tạo tuyến đường sắt Bắc-Nam 'trễ hẹn'
Ban QLDA 85 được giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM (thuộc gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020).
Sau khi hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) được phê duyệt và cọc GPMB cắm ngoài thực địa, Ban đã bàn giao hồ sơ và cọc GPMB cho các địa phương, cử cán bộ thường xuyên phối hợp để triển khai thực hiện công tác GPMB dự án.
Một số địa phương GPMB rất chậm
Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện GPMB rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hạng mục công trình đã được đầu tư xây dựng cũng như tiến độ thi công gói thầu và của toàn dự án.
Đặc biệt, Ban QLDA 85 cho biết, mặt bằng thi công các hạng mục của dự án qua TP. Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên đang "dậm chân tại chỗ".
Dẫn ví dụ về công tác GPMB để xây dựng cầu vượt đường sắt tại Km607 và đoạn đường bộ kết nối thuộc huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), Ban QLDA 85 cho hay, theo tiến độ thi công điều chỉnh được duyệt, hạng mục đường ngang và cầu đường sắt tại Km 607+920 được thi công trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 3/2022 và kết thúc tháng 7/2022.
Do khó khăn trong công tác GPMB nên UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị điều chỉnh vị trí cầu chui đường sắt và vị trí giao với đường Quốc lộ 1 về phía bắc khoảng 21 m. Trên cơ sở ý kiến của Bộ GTVT, Ban QLDA 85 đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh vị trí và bổ sung công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công.
Đến nay, tư vấn thiết kế triển khai khảo sát lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, cắm cọc GPMB điều chỉnh. Dự kiến Ban QLDA85 sẽ bàn giao cọc GPMB theo phương án điều chỉnh cho địa phương trước ngày 30/9/2022. Còn địa phương cũng đã cam kết hoàn thành công tác GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công sau 3 tháng kể từ khi được bàn giao cọc GPMB.
Một hạng mục khác là xây dựng hàng rào, đường gom đoạn Km 775+527 - Km 775+875 thuộc quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Địa phương đã cam kết sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 30/8/2022. Tuy nhiên, đến nay UNBD TP. Đà Nẵng chưa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và đơn giá đất để tính tiền bồi thường hỗ trợ thiệt hại đối với dự án, mặc dù Hội đồng GPMB quận Liên Chiểu đã trình đề nghị UBND thành phố phê duyệt từ tháng 5/2022.
Kiến nghị đưa các công trình đang chậm mặt bằng ra khỏi danh mục nâng cấp
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB các hạng mục thuộc dự án và xử lý dứt điểm các điểm thắt về công tác GPMB tồn tại kéo dài trong thời gian qua có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, Ban QLDA 85 đã kiến nghị Bộ GTVT đưa ra khỏi dự án các công trình này.
Theo đó, đối với công tác GPMB để thi công hạng mục cầu đường sắt tại Km607 và đoạn đường bộ kết nối, Ban QLDA 85 đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND huyện Gio Linh hoàn thành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo tiến độ địa phương đã cam kết: Tối đa 3 tháng kể từ thời điểm Ban QLDA 85 bàn giao cọc GPMB theo thiết kế điều chỉnh để nhà thầu triển khai thi công đáp ứng tiến độ dự án.
Trường hợp không hoàn thành đúng tiến độ cam kết, đề nghị Bộ GTVT xem xét đưa hạng mục ra khỏi danh mục thực hiện của dự án và bàn giao cho địa phương thực hiện.
Đối với công tác GPMB thi công hạng mục đường gom đoạn Km775+538,5 - Km775+900 qua TP. Đà Nẵng, đến nay, công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành. Địa phương chưa xác định được mốc thời gian cụ thể để hoàn thành các thủ tục bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Vì vậy, Ban kiến nghị Bộ GTVT xem xét đưa hạng mục ra khỏi danh mục thực hiện của dự án và bàn giao cho địa phương thực hiện.
Ban QLDA 85 cũng kiến nghị Bộ GTVT đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB đối với một số công trình khác đang chậm tiến độ thuộc dự án. Như đối với công trình xây dựng ga mở mới Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Ban kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công chậm nhất trước ngày 30/10/2022.
Trong trường hợp công tác GPMB không kịp hoàn thành để bàn giao trong thời hạn trên, đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với địa phương dừng triển khai công tác GPMB và đưa hạng mục xây dựng ga mở mới Xuân Sơn Nam ra khỏi danh mục thực hiện của dự án, tránh trường hợp địa phương phê duyệt chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân nhưng không đủ thời gian thi công hoàn thành trong thời gian thực hiện của dự án.
Gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020 cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam gồm 4 dự án cấp bách.
Ban QLDA đường sắt được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 3 dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang-Sài Gòn.
Ban QLDA 85 được giao làm chủ đầu tư một dự án: Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang.
Mục tiêu nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách từ 80-90 km/h, tàu hàng từ 50-60 km/h; từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng từ 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng từ 1,5-1,6 lần.