Thiếu kinh tế đêm, Đà Nẵng 'chạy dài' cũng khó thành 'Singapore của Việt Nam'
"Mệnh đề thiếu"
Hiếm có thành phố nào được thiên nhiên ưu ái như Đà Nẵng, với đủ sông, núi, biển, rừng nguyên sinh, những bãi tắm đẹp tựa thiên đường… Thế nhưng, một thủ phủ du lịch miền Trung đang được định hướng trở thành Singapore của Việt Nam như Đà Nẵng lại chỉ mới làm du lịch "nửa ngày". Bởi, khu vực kinh tế đêm gần như bỏ ngỏ.
Một trung tâm du lịch như Đà Nẵng đếm không hết đầu ngón tay số quán bar sôi động về đêm, cũng chẳng có những show diễn nghệ thuật như Alcazar (Thái Lan) hay các show diễn hoành tráng kiểu Trương Nghệ Mưu ở Trung Quốc.
Du khách không biết chơi gì ở Đà Nẵng vào ban đêm, ngoài đi chợ đêm và ngắm cầu. (Ảnh: SG).
Điểm chơi đêm ở Đà Nẵng hiện nay, về cơ bản chỉ có chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Helio, hay ngắm các cây cầu phát sáng trên sông Hàn. Đến 22h, thành phố du lịch đã dần vắng vẻ, quán xá chuẩn bị dọn dẹp, đóng cửa.
Thử làm một phép so sánh với "hình mẫu Singapore" mà Đà Nẵng đang hướng tới . Với 5,2 triệu dân, là quốc đảo không "rừng vàng", không có nước ngọt từ sông và hồ, bờ biển chỉ dài 193 km nhưng mỗi năm Singapore đón lượng khách du lịch gấp 3 lần dân số.
Năm 2018, nước này đạt kỷ lục 18,5 triệu lượt du khách quốc tế, gấp 2,5 lần tổng số khách du lịch đến Đà Nẵng và gấp 6 lần số lượt khách quốc tế check-in Đà Nẵng cùng trong năm 2018. Vậy thì đâu là lời giải cho sự thành công của một quốc gia hoàn toàn thiếu bàn tay thiên tạo như Singapore?
Được mệnh danh là một trong những nơi phồn vinh và sầm uất bậc nhất châu Á, Singapore luôn mang trên mình hai sắc màu khác biệt giữa ngày và đêm. Đến đảo quốc sư tử, thậm chí nhiều du khách đánh giá các hoạt động về đêm của Singapore còn hấp dẫn hơn ban ngày.
Điển hình là Clarke Quay, nơi được mệnh danh là trung tâm tiệc tùng về đêm nổi tiếng tại Singapore. Khi bóng tối buông xuống mới thực sự là lúc Clarke Quay nhộn nhịp và sôi động, rực sáng. Các quán cafe đủ màu sắc, đủ phong cách, các pub nhỏ, quán bar, chợ đêm... trải dài dọc đường.
Tới đây du khách có thể đắm chìm trong không gian văn hóa, giải trí, mua sắm và ẩm thực ngập tràn màu sắc Á – Âu đầy ấn tượng từ đêm cho tới sáng.
Không chỉ có Clarke Quay, Boat Quay hay Joo Chiat cũng là những điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích các hoạt động về đêm. Nơi đây hoặc là đầy ắp các quán bar và hộp đêm để thỏa mãn những người thích tiệc tùng, hoặc là "thiên đường ẩm thực", trung tâm mua sắm xuyên ngày đêm được nhiều du khách và người dân bản địa Singapore yêu thích.
Chợ đêm Helio chưa tạo được sức hấp dẫn. (Ảnh: SG).
"Trông người lại ngẫm đến ta". Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng số tiền chi tiêu bình quân chung của 1 lượt khách quốc tế tại Đà Nẵng là trên 5,32 triệu đồng. Khách đi theo tour có mức chi tiêu bình quân 4,29 triệu đồng, cao hơn so với khách tự sắp xếp tour là 3,1 triệu đồng.
Đáng chú ý, chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế chủ yếu cho dịch vụ thuê phòng, ăn uống và đi lại (72,3%), trong đó dịch vụ thuê phòng là cao nhất (33,4%), các dịch vụ còn lại chiếm tỷ trọng khá thấp.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel nhận định, những sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5h chiều chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ, trong khi thực tế ở nhiều nước cho thấy kinh tế đêm đang là cỗ máy in tiền cho ngành du lịch.
Cần "song kiếm hợp bích"…
Nói về sự cần thiết phải phát triển nền kinh tế ban đêm, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Ở các nước, kinh tế càng phát triển thì hoạt động ban đêm càng phát triển. Vì thế, dứt khoát chúng ta phải làm. Nếu vì chưa biết làm mà không làm thì du lịch sẽ muôn đời đi sau".
Đà Nẵng cũng vậy. Muốn trở thành một "Singapore của Việt Nam", Đà Nẵng cần thiết phải hội tụ cả 2 màu sắc rực rỡ của kinh tế ban ngày và ban đêm.
Để làm được điều đó, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính),"trước hết chúng ta phải thay đổi tư duy của nhà quản lý, cũng như của cấp lãnh đạo, đặc biệt là tư duy của cộng đồng người dân."
Đồng quan điểm, PGS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho rằng, Đà Nẵng cần có quy hoạch riêng khu kiểu như downtown để cung cấp đủ mọi dịch vụ về đêm gồm mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí... Đây sẽ là khu vực riêng để khách du lịch đến vui chơi về đêm.
Mặt khác, với lợi thế du lịch biển, Đà Nẵng nên có những khu công viên, tổ hợp du lịch trên biển cả ngày lẫn đêm để tạo sản phẩm du lịch mới, ấn tượng thu hút khách du lịch quốc tế. Điều quan trọng là Đà Nẵng cần tạo ra những sản phẩm du lịch đêm chuyên nghiệp với quy mô lớn, chất lượng xứng tầm… để tạo điểm nhấn cho phủ phủ du lịch.
Muốn hướng tới một Singapore của Việt Nam, Đà Nẵng cần sớm thúc đẩy kinh tế ban đêm. (Ảnh: SG).
Tuy nhiên, để xây dựng những tổ hợp du lịch đêm quy mô, riêng biệt, bài bản, quy tụ đủ sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực về đêm cần sự đầu tư rất lớn. Do đó, bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế đêm, cần thu hút các nhà đầu tư lớn vào cuộc.
Như thế, tiếp tục cần sự "song kiếm hợp bích" giữa chính quyền và nhà đầu tư. "Chính quyền chỉ cần làm tốt công tác quy hoạch và cung cấp quỹ đất phù hợp cho các khu phức hợp du lịch, việc còn lại sẽ do các nhà đầu tư tư nhân đảm nhiệm.
Nếu có nhu cầu, họ sẽ hợp tác liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư, vận hành", TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch nói.
Rõ ràng, nếu vẫn tiếp tục "đứng ngoài cuộc chơi" với kinh tế đêm – một cơ hội có thể mang đến 70% nguồn thu từ du lịch, Đà Nẵng dù có "chạy nhanh" kinh tế ban ngày đến mấy cũng khó có thể trở thành một "Singapore của Việt Nam".