|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thiếu Ấn Độ, RCEP 15 vẫn là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao (Phần 2)

06:50 | 04/12/2019
Chia sẻ
Khi đi vào hoạt động, RCEP 15 sẽ thúc đẩy sự hội nhập “sâu” gắn với các chuỗi cung ứng toàn cầu trái với sự hội nhập “nông” do giảm thuế ở châu Á.
Thiếu Ấn Độ, RCEP 15 vẫn là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao (Phần 2) - Ảnh 1.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Mudra, cách Ahmedabad của Ấn Độ 400km. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay cả không có Ấn Độ, một RCEP gồm 15 nước – hay RCEP 15 – sẽ là một tiến bộ quan trọng đối với khu vực Đông Á vì một số lý do sau:

Thứ nhất, vì chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và một tỷ lệ tương đương về dân số toàn cầu, RCEP 15 vẫn là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới và tác động của nó vượt ra khỏi tầm khu vực.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, rất nhiều thỏa thuận thương mại khu vực lớn như Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Khối thị trường chung châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, giờ đây được gọi là Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada – USMCA), Mecosur, các hiệp định ASEAN+1 và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đàm phán xong hoặc đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, tất cả các hiệp định này đều có những hạn chế dưới hình thức này hay hình thức khác khi so sánh với RCEP 15. 

Ví dụ, so sánh với USMCA, khối thương mại lớn thứ hai thế giới, RCEP 15 có GDP lớn hơn một chút (24.800 tỷ USD so với 23.400 tỷ USD) và đem lại lợi ích cho nhiều người hơn (2,3 tỷ người so với 494 triệu người).

Thứ hai, tuy chúng ta không biết đầy đủ những chi tiết của các cuộc đàm phán ở Bangkok, nhưng nhiều khả năng RCEP 15 sẽ vẫn là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao thích ứng với thương mại quốc tế thế kỷ 21, dù vẫn còn kém hơn so với CPTPP.

RCEP đã dành một số chương cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp, đồng thời đưa ra các thủ tục rộng rãi cho sự hợp tác kinh tế và kỹ thuật liên nhà nước vì sự thịnh vượng chung.

Điều có ý nghĩa hơn là RCEP 15 có tiềm năng được coi là hiệp định định ra tiêu chuẩn thương mại khu vực bởi những nguyên tắc mà nó quyết định có thể trở thành những chuẩn mực và tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở châu Á và xa hơn nữa.

Điều này sẽ đặc biệt đúng khi RCEP 15 mở cửa cho các thành viên mới trên khắp khu vực. Hong Kong (Trung Quốc), gần đây đã có một hiệp ước thương mại với ASEAN, có thể tham gia RCEP trong một tương lai không xa.

Thứ ba, RCEP 15 sẽ làm hài hòa các FTA hiện đang tồn tại giữa ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Nó sẽ đem lại những lợi ích về kinh tế và hậu cần. 

Mặc dù không lớn như RCEP bởi thiếu một nước là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và có hơn 1,3 tỷ dân, nhưng những lợi ích kinh tế của RCEP 15 vẫn sẽ đáng kể. RCEP 15 về lâu dài có thể tạo ra một sự gia tăng GDP thực khoảng 137 tỷ USD cho khối này, bằng khoảng 80% so với RCEP có Ấn Độ (171 tỷ USD).

Ở cấp độ quốc gia, tất cả các nước RCEP 15 sẽ được lợi. Ấn Độ, đứng ngoài khối này, sẽ thua thiệt do sự đa dạng hóa thương mại khi các nước tham gia mua hàng hóa của nhau thay vì của Ấn Độ.

Cuối cùng, RCEP 15 sẽ có những lợi ích địa chính trị khi một khối thương mại mới sẽ được hình thành ở Đông Á. 

Trong một môi trường toàn cầu khi mà nhiều nước đang thực hiện các chính sách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và đôi khi mang tính đơn phương, khối thương mại mới này sẽ đem lại sự thúc đẩy kịp thời cho chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại dựa trên các nguyên tắc.

Khi đi vào hoạt động, RCEP 15 và CPTPP - một FTA lớn đã có hiệu lực với một số quốc gia thành viên vào năm 2018 - sẽ thúc đẩy sự hội nhập “sâu” gắn với các chuỗi cung ứng toàn cầu trái với sự hội nhập “nông” do giảm thuế ở châu Á.

7 nước (Nhật Bản, Australia, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam) tham gia cả RCEP 15 và CPTPP, trong tương lai sự hội tụ có trật tự giữa hai khối thương mại này rất có khả năng xảy ra.

Sự hội tụ này sẽ tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN đồng thời cũng đặt nền tảng cho việc thiết lập một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương mang tính bao hàm thực sự, một tầm nhìn dài hạn của chủ nghĩa khu vực kinh tế châu Á.

Tóm lại, khu vực Đông Á sẽ có thêm một FTA chất lượng cao nữa trong hai năm tới. Thỏa thuận thương mại tự do này sẽ làm sâu sắc sự hội nhập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

RCEP 15 và CPTPP cũng sẽ đem lại sự khích lệ nào đó cho thương mại toàn cầu vốn đang chậm lại do những tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở những khu vực khác nhau của thế giới. 

Hiện Ấn Độ không tham gia khối nào trong hai khối thương mại lớn này. Khi sẵn sàng, Ấn Độ nên tham gia RCEP vì điều đó sẽ mang lại kết quả cùng thắng cho tất cả các nước tham gia.

Nguyễn Thúy - Khắc Hiếu