Thị trường xuất khẩu Trung Đông – Châu Phi: Nhu cầu lớn, thách thức không nhỏ
Đây là nhận định của các đại biểu tại “Hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông – Châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa” do Bộ Công Thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 19/12.
Nhiều tiềm năng thúc đẩy thương mại
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù cách xa về mặt địa lý, nhưng Việt Nam và các nước Trung Đông, Châu Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tốt đẹp và không ngừng được củng cố, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Khu vực Trung Đông và Châu Phi bao gồm 70 quốc gia với dân số trên 1,6 tỷ người, có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu hàng hóa được coi là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Châu Phi đạt 23,3 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 14,9 tỷ USD và nhập khẩu 8,4 tỷ USD.
Chia sẻ với các doanh nghiệp về những cơ hội tại thị trường Châu Phi, bà Nguyễn Thị Minh Phương, phụ trách thị trường Châu Phi, Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi cho biết, Châu Phi gồm 55 quốc gia, dân số hơn 1,3 tỷ người. Nhu cầu nông sản từ các nước Châu Phi là rất lớn. Năm 2016, các nước Châu Phi đã nhập khẩu nông sản trị giá 35 tỷ USD, ước tính con số này sẽ lên tới 110 tỷ USD vào năm 2025.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Phương, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ngành nông nghiệp Châu Phi rất khó phát triển. Vì vậy, phần lớn nông sản, lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân phải nhập khẩu từ các khu vực khác. Đặc biệt, các mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu đang có nhu cầu khá nhiều. Thêm vào đó, đặc điểm của thị trường Châu Phi là yêu cầu về mặt chất lượng, kỹ thuật không quá khắt khe, ưu tiên lựa chọn sản phẩm theo giá cả.
Về chính sách thương mại, 43/55 nước Châu Phi là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO; Việt Nam cũng đã tham gia nhiều chương trình hợp tác với các nước châu Phi, nhờ đó, nhiều quốc gia đã dần dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam. Đây được xem là những điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, mở rộng thị phần của mình tại thị trường này.
Đối với thị trường Trung Đông, ông Lý Quốc Thịnh, phụ trách thị trường Trung Đông, Vụ thị trường Châu Á –Châu Phi cho biết, hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Trung Đông phát triển nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2011 tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Đông mới đạt gần 5,2 tỷ USD, thì tới năm 2016 đã tăng gấp đôi và đạt gần 10,9 tỷ USD.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước Trung Đông đạt 8,06 tỷ USD, nhưng chỉ mới chiếm 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước Trung Đông, điều này cho thấy Việt Nam còn rất nhiều dư địa mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Lý Quốc Thịnh, hiện nay các nước Trung Đông có nhu cầu cao đối với nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông sản, trái cây nhiệt đới, thủy sản, hàng tiêu dùng, sản phẩm da giày và dệt may. Hiện nay mỗi năm Trung Đông đang nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD tiền lương thực, thực phẩm, ước tính đến năm 2035 khu vực này sẽ nhập khẩu khoảng 70 tỷ USD về lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Ưu điểm của các quốc gia khu vực Trung Đông là sức mua lớn và khả năng thanh toán cao do nhiều nước có kinh tế phát triển và mức thu nhập bình quân đầu người cao. Ngoài nông sản, hàng tiêu dùng, các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông cũng đang phát triển ngành xây dựng, do đó nhu cầu về hàng gia dụng, vật liệu xây dựng và nguồn lao động cũng rất cao. Đây chính là cơ hội cho cả doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.
Bốc xếp gạo xuất khẩu của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Cần tìm hiểu kĩ thông tin
Mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Châu Phi là rất lớn, nhưng việc tiếp cận thị trường này cũng đặt ra khá nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Minh Phương cho rằng, các nước Châu Phi có yêu cầu về nhãn mác, ngôn ngữ, mã ký hiệu, tiêu chuẩn chứng nhận Halal (cho phép và hợp pháp) đối với hàng hóa nhập khẩu khá khác biệt so với các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay tại một số quốc gia Tây Phi, tình trạng lừa đảo trong các giao dịch thương mại đang có xu hướng gia tăng.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước này cần chú ý, thận trọng, nhất là với các phương thức như giao hàng trước - thanh toán sau; cần tìm hiểu kỹ thông tin từ đối tác thông qua các tham tán thương mại Việt Nam và nước sở tại.
Khác với Châu Phi, khu vực Trung Đông có nền kinh tế phát triển hơn nên yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu cũng cao hơn, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm. Theo ông Ngô Khải Hoàn, ngoài giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu, các nước Trung Đông thường yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác... do Tổ chức Tiêu chuẩn và đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp. Bên cạnh đó, Trung Đông đang là khu vực có nhiều bất ổn về an ninh chính trị, đặc điểm văn hóa kinh doanh, phương thức thanh toán khác xa Việt Nam nên hầu hết doanh nghiệp Việt Nam ít biết về thông tin thị trường và những rủi ro tiềm ẩn.
Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy thương mại hàng hóa với khu vực Châu Phi – Trung Đông, các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên nắm rõ thông tin, có sự kiểm chứng thông tin thương nhân, thông tin thị trường trước khi tiến hành giao dịch. Doanh nghiệp xuất khẩu nên cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn và thường xuyên tìm hiểu thông tin qua các kênh uy tín như thương vụ, phòng thương mại công nghiệp tại nước sở tại để hạn chế tối đa các rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế.