Thị trường vàng cưới vào mùa cao điểm, nhà bán lẻ dự báo lượng khách tăng gấp đôi
Hoàng Nga (27 tuổi), nhân viên kế toán tại một công ty thực phẩm ở Hà Nội, cho biết cuối năm nay cô lấy chồng nhưng việc mua trang sức cưới đang là một vấn đề với cả hai. “Giá vàng trang sức đang tăng cao quá, riêng việc mua nhẫn cưới đã tốn một khoản tiền kha khá dành cho đám cưới”, Nga nói.
Cuối tuần trước, có thời điểm vàng được giao dịch ở mức 70,4 - 71,6 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng nhẫn cũng đạt 56,95 - 58,05 triệu đồng/lượng - vùng giá cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng cao gây khó khăn cho những cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Tuy vậy, các đơn vị kinh doanh vàng vẫn lạc quan trước triển vọng của thị trường.
Phía Bảo Tín Minh Châu cho biết: “Thị trường trang sức cưới bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 6 năm sau.
Thời điểm tháng 9, 10 năm nay lượng khách hàng giao dịch mua sắm trang sức cưới khá sôi động. Vào cao điểm mùa cưới lượng khách hàng mua nhẫn cưới, trang sức cưới có xu hướng tăng từ 1,5 đến 2 lần so với thời điểm ra mùa”.
Thực tế, theo FTN News, sau thời gian tạm dừng vì đại dịch, thị trường cưới đang lấy lại sức sống khi nhu cầu tổ chức đám cưới tăng vọt. The Knot chỉ ra rằng tỷ lệ các cặp đôi tổ chức đám cưới đã tăng từ 12% năm 2019 lên 23% năm 2022.
Theo khảo sát từ CNBC, 66% người được hỏi sẵn sàng tăng ngân sách cho ngày đặc biệt của mình. Cùng quan điểm, anh Phong - một chủ tiệm vàng tại Hà Đông, Hà Nội, cho biết dù kinh tế khó khăn hơn năm trước, song không vì thế thị trường vàng cưới mất đi sức hút.
“Kiếm tiền có khó hơn, giá vàng tăng cao hơn song nhu cầu mua vàng cưới gần như không bị ảnh hưởng. Bởi đây là vật thiết yếu trong lễ cưới, cả đời chỉ có một lần. Người ta có thể cắt giảm quy mô tổ chức, nhưng không thể cắt giảm trang sức, nhẫn cưới vòng cưới”, anh Phong nói.
Đại diện một chuỗi cửa hàng bán vàng trên phố Trần Nhân Tông cũng nói rằng: “Thị trường mùa cưới đang bước vào giai đoạn sôi động, tuy nhiên lượng khách hàng mua chưa phải là thời kỳ cao điểm. Mặc dù tình hình kinh tế có khó khăn, tuy nhiên tâm lý của các cặp đôi ngân sách lựa chọn cho trang sức cưới không có nhiều thay đổi”.
Nghiên cứu của The Knot chỉ ra trung bình các cặp đôi thường chi 1.000 - 5.000 USD cho trang sức cưới, tuy nhiên kinh tế khó khăn, xu hướng chọn sản phẩm dưới 1.000 USD đang gia tăng.
Tại Việt Nam, theo Bảo Tín Minh Châu, năm nay khách hàng trẻ có xu hướng chọn nhẫn cưới gắn kim cương với mức giá trung bình từ 10-20 triệu đồng.
Hoàng Nga cho biết cô và người yêu thống nhất tiền mua vàng cưới sẽ không vượt quá 10% ngân sách tổ chức đám cưới.
“Trang sức cưới không thể thiếu được nhưng chúng tôi sẽ tiết kiệm hơn. Thay vì mua trang sức thiết kế tinh xảo, thì có thể chọn những mẫu đơn giản, ít cầu kỳ. Tinh thần tiết kiệm mùa bão giá vì còn nhiều thứ phải lo sau đám cưới”, Nga chia sẻ.
Phạm Văn Trường, một kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, nói rằng anh và vợ sắp cưới thống nhất sẽ không chi quá nhiều tiền cho trang sức cưới cao cấp.
“Dù may mắn thu nhập của cả hai không bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nhưng chúng tôi vẫn đồng ý sẽ đơn giản hoá hết mức có thể. Số tiền tiết kiệm được sẽ dùng để đi tuần trăng mật và các công việc quan trọng khác cho tương lai như sinh em bé”, Trường cho hay.
Nắm bắt được tâm lý tiêu dùng này, theo khảo sát, các đơn vị kinh doanh vàng trang sức năm nay ngoài chuẩn bị mẫu mã phù hợp hơn với túi tiền của khách hàng, còn đưa ra nhiều chương trình kích cầu như tặng quà, liên kết với đối tác ngành hàng cưới để có thêm ưu đãi,…
Năm nay, báo cáo của Statista ước tính doanh thu ngành trang sức tại Việt Nam sẽ đạt 1,09 tỷ USD. Trong đó, dự báo 84% doanh thu ngành bán lẻ trang sức năm nay đến từ các sản phẩm phi cao cấp.