|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường tiền tệ tháng 1: Tỷ giá tăng mạnh trong tháng đầu năm

16:45 | 27/01/2024
Chia sẻ
Điểm nhấn tiền tệ trong tháng đầu năm 2024 là sự tiếp tục tăng của tỷ giá USD khi chênh lệch lãi suất USD - VND vẫn ở mức 5%.

Tỷ giá tăng mạnh trong tháng đầu năm

Trong tháng đầu năm, tỷ giá USD tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2023 lên mức 24.611 đồng/USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022.

Tỷ giá trung tâm của NHNN cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,7% trong tháng 1/2024, lên mức 24,036 tại ngày 26/01/2024.

Biến động tỷ giá trên thị trường tự do cũng tương đồng với thị trường chính thức, hiện tại, tỷ giá bán trên thị trường tự do đã đạt mức cao kỷ lục là 25.120 đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2023.

 

Theo các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) diễn biến mất giá hiện tại của tiền đồng nằm trong dự tính do chênh lệch lãi suất USD - VND vẫn còn đang rất lớn.

Trong tháng 1/2024, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng chỉ khoảng 0,22%/năm, và chênh lệch lãi suất USD - VND là xấp xỉ 5%.

Ngoài ra, diễn biến này gắn với sự phục hồi của đồng USD trong bối cảnh thị trường giảm bớt kỳ vọng về thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed và số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Theo dữ liệu CME Group, thị trường đang đặt cược khả năng chỉ khoảng 48% Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3/2024, giảm từ mức xấp xỉ 70% vào đầu tháng 1/2024.

 

Chỉ số USD Index (DXY) đã tăng 2,2% trong tháng 1 lên mức 103,6, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2023. Tương tự Việt Nam, việc tăng giá trở lại của đồng USD đã kéo theo áp lực giảm giá của các đồng tiền khác.

Trong đó, đồng NDT của Trung Quốc ghi nhận mức giảm thấp nhất, chỉ khoảng 1,04% trong tháng đầu năm, trong khi đó, đồng Yên Nhật mất giá mạnh nhất (khoảng 4,7%).

Điều này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ, trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chần chừ trong việc chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Tăng trưởng tín dụng 2024: lạc quan trong thận trọng

Năm 2024, NHNN đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%. Đặc biệt, khác với cách điều hành của các năm trước, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) ngay từ đầu năm với mục đích thúc đẩy tín dụng và tạo điều kiện cho các NHTM chủ động hơn trong điều hành hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo khảo sát về xu hướng tín dụng, các NHTM nhận định tín dụng dự kiến vẫn tăng chậm trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm.

Động lực tăng trưởng tín dụng được đánh giá là tích cực ở nhóm 1) Bán buôn, bán lẻ, 2) Xuất nhập khẩu và 3) Sản xuất thực phẩm.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng rủi ro tín dụng tiếp tục tăng trong năm 2024 nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2023, đáng chú ý, lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán tiếp tục là hai lĩnh vực có rủi ro tín dụng cao nhất.

Năm 2024, các điều kiện cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp dự kiến sẽ ổn định, trong khi đó, điều kiện cho vay sẽ nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân (tín dụng cho vay tiêu dùng hay mua nhà ở).

Kết quả khảo sát nhìn chung cho thấy triển vọng cải thiện trong hoạt động cho vay trong năm 2024. Khảo sát cũng cho thấy dự báo về tăng trưởng huy động vốn và tín dụng năm 2024 lần lượt là 12,1% và 14,2%, tăng nhẹ so với kết quả năm 2023.

Theo số liệu ước tính của NHNN, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 ước đạt 13,7%, cao hơn số liệu công bố của NHNN trong 11T2023 là 9,2%. Như vậy, chỉ riêng tháng 12/2023, quy mô tín dụng tăng cao kỷ lục, ước tính khoảng 475.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tín dụng/GDP tại thời điểm cuối năm 2023 ước đạt 132%, cao hơn mức 125% tại thời điểm cuối năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, theo ước tính của NHNN, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản ước khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,4% tổng quy mô tín dụng toàn hệ thống.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản năm 2023 là 6,75%, trong đó, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tăng trên 22%, lĩnh vực tiêu dùng bất động sản giảm nhẹ 0,7%.

H.T