[Thị trường thế giới ngày 19/7] Giá vàng chạm đỉnh 2 tuần, USD xuống đáy hơn 1 năm so với euro
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố. |
Trên thị trường vàng, giá chạm đỉnh 2 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/7), nhờ đồng USD xuống thấp nhất hơn 1 năm so với đồng euro và franc Thụy Sĩ trên thị trường tiền tệ. Nguyên nhân khiến USD giảm là vì thị trường mất dần niềm tin vào chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump, và lo ngại về quan điểm thắt chặt chính sách của các ngân hàng thương mại trên thế giới.
Chỉ số USD, cho biết độ mạnh yếu của đồng USD thông qua diễn biến tỷ số giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm còn 94.476, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016.
Euro tăng mạnh so với USD, lên 1.1583 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2016.
USD cũng giảm so với đồng franc Thụy Sĩ, xuống còn 0,9525 franc, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2016. Trong khi đó, USD chạm đáy 3 tuần so với đồng yen Nhật Bản, xuống 111,69 yen.
Chỉ số USD đã giảm 7,5% kể từ đầu năm, một phần vì những lo ngại xung quanh chương trình kích thích tài chính của ông Trump.
Nỗ lực của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm thông qua dự luật cải cách chăm sóc y tế đã thất bại vào cuối ngày thứ Hai, dấy lên lo ngại về khả năng liệu các chương trình thúc đẩy tăng trưởng của ông Trump có được triển khai.
Các nhà giao dịch cũng lo ngại về khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong khi nhiều ngân hàng trung ương khác, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh, đưa ra các dấu hiệu cho thấy họ đang ủng hộ việc tiến tới thắt chặt chính sách kích thích.
Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai tăng, vì các nhà đầu tư lạc quan về số liệu cho thấy nhu cầu về dầu thô toàn cầu có thể cân bằng một phần nguồn cung dư thừa hiện tại.
Hoạt động lọc dầu của Trung Quốc tiếp tục chỉ ra nhu cầu về nhiên liệu của quốc gia này tăng mạnh, sau khi báo cáo hôm thứ Hai gợi ý dầu lọc hóa tăng cao kỷ lục trong tháng 6. Nhờ đó, làm tăng kỳ vọng về việc nhu cầu dầu toàn cầu tăng có thể cân bằng nguồn cung dư thừa.
Bên cạnh đó, theo Financial Times, Arab Saudi đang xem xét việc giảm lượng dầu thô xuất khẩu lên đến 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích gợi ý rằng việc công bố giảm sản lượng của Arab Saudi, một thành viên của OPEC, cho thấy OPEC đang lo ngại về giá dầu giảm trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, thị trường đang chờ đợi báo cáo dầu tồn kho của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự báo cho thấy dầu tồn kho Mỹ giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Các chuyên gia phân tích dự đoán dầu dự trữ giảm 3,2 triệu thùng trong tuần tính đến hết ngày 14/7.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ số biến động trái chiều, trong khi S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức kỷ lục nhờ cổ phiếu ngành công nghệ tăng điểm.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 tăng 0,06% lên 2.460,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,5% lên 6.344,31 điểm., trong khi đó, Dow Jones giảm 0,3% xuống 21.574,73.