Thị trường snack: Món ăn vặt nửa tỉ USD của người Việt
"Các bạn trẻ trong độ tuổi 15-23 đang ăn vặt suốt cả ngày", báo cáo mới đây của Decision Lab đã nhận định như vậy về xu hướng ra ngoài ăn vặt của giới trẻ hiện nay. Con số 13.000 tỉ đồng ăn vặt mỗi tháng thực sự ấn tượng, nhưng vẫn chưa đủ để chứng minh cho sự “thèm” ăn vặt của người Việt. Thực tế, không cần phải ra ngoài ăn vặt ở cửa hàng thức ăn nhanh hay cửa hàng tiện lợi, một thị trường béo bở khác là snack ăn liền ở mọi nơi với quy mô hằng năm có thể lên 1 tỉ USD.
Snack “cắn” nửa tỉ USD
Thị trường ăn vặt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn nhờ vào xu hướng thay đổi cách chi tiêu ở nhóm giới trẻ, nhờ thu nhập bình quân người việt tăng lên, cuộc sống thay đổi theo lối công nghiệp, giới trẻ tiêu dùng nhiều hơn và chuyện ăn vặt trở thành nhu cầu thiết yếu trong mỗi buổi gặp nhau.
Định dạng thị trường snack nhìn chung có thể chia làm 3 loại sản phẩm chính, được phân loại theo nguyên liệu chế biến, bao gồm khoai tây, các loại hạt và snack chế biến từ thực phẩm nói chung (đa phần làm từ các loại trái cây, thực phẩm). Quy mô thị trường bánh snack tại Việt Nam ước khoảng 518 triệu USD vào năm 2015, trong đó, các loại snack chế biến chiếm tỉ trọng 33%, các loại hạt 30% và khoai tây chiên là 24%, theo thống kê của Savory Snacks Market in Vietnam Databook to 2020.
Ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường tăng lên gần gấp đôi, tương đương hơn 1 tỉ USD. Nếu tính bình quân với con số ước lượng về tăng trưởng, quy mô thị trường snack năm 2017 có thể đạt đến mức 700 triệu USD. Con số này thực tế còn có thể lớn hơn nhiều nếu nhìn vào cách mà các nhà đầu tư tăng tốc tại đây.
Tháng 3 năm ngoái, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Koikeya Việt Nam (Nhật ) bắt đầu xây nhà máy sản xuất bánh snack tại TP.HCM với quy mô vốn 8,7 triệu USD, công suất 4.200 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm bánh snack Thương hiệu Karamucho bắt đầu được bán ra từ tháng 10 vừa qua. Ông lớn đầu ngành snack của Nhật đã biến Việt Nam thành điểm sản xuất nước ngoài đầu tiên và đặt kỳ vọng doanh số đạt 200 tỉ đồng cho riêng phân khúc snack vị cay trong vòng 3 năm tới.
Thị trường snack Việt Nam ngày nay cũng khá chật chội với nhiều thương hiệu. Có thể kể đến tên Oshi của Liwayway (Philippines), Poca của PepsiCo, O’Star của Orion (Hàn Quốc). Lâu đời hơn có thể kể đến sản phẩm snack cua và khoai tây chiên Slice (dạng hộp hình trụ) của Kinh Đô. Cùng với Karamucho, những sản phẩm này đều có nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam. Nhóm thứ 2 cũng đông đảo không kém là nhóm hàng nhập khẩu, với đủ loại sản phẩm mà phần nhiều đến từ Thái Lan và Hàn Quốc.
Mức giá cũng phủ kín phân khúc từ thấp đến cao, từ hơn 5.000 đồng/gói cho đến trên 20.000 đồng/gói, cá biệt còn có những loại nhập khẩu với mức giá đến 40.000 đồng/gói. Các sản phẩm chế biến có lợi thế là rất đa dạng, dường như những gì chế biến được đều có thể làm thành bánh snack. Chẳng hạn, danh mục sản phẩm của Oishi còn giới thiệu cả bí đỏ hay cà chua, trong khi sản phẩm từ Hàn Quốc thường là thủy hải sản.
Mới đây, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn B5, đơn vị đang phân phối cho cho nhiều nhãn hàng ở khu vực TP.HCM, đang tìm hướng đi mới trong ngành hàng bánh snack. Ông Trần Hải Triều, Tổng Giám đốc B5, cuối cùng cũng đã chọn được sản phẩm Grainey, bánh snack làm từ gạo để nhập khẩu, sau khi cất công sang tận nhà máy Thái Lan để tìm hiểu thị trường.
Thực tế, sau khi Kinh Đô được bán cho Mondelez, thị trường snack nội địa xem như phần lớn lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Không ít nhà sản xuất Thái Lan, Hàn Quốc đang ngắm nghía thị trường tiềm năng này của Việt Nam.
Ngoài sự đa dạng, bao bì đóng gói đẹp, theo ông Hải Triều, xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới là những loại snack chế biến và những sản phẩm đó phải có lợi cho sức khỏe. B5 chọn thử nghiệm phân phối sản phẩm snack từ gạo với ưu điểm là ít năng lượng, chất béo, không chất bảo quản, không cholesterol. Ngay cả Oishi cũng giới thiệu sản phẩm khoai tây không chiên, không chất béo. Đây cũng là xu hướng quảng cáo chung của ngành hàng tiêu dùng, điển hình là mì tôm.
Ngóc ngách phân phối
Sản phẩm không quá khó để chế biến, giá cả cũng trải rộng đủ loại cho người tiêu dùng, những nhãn hàng mới xuất hiện buộc phải giải quyết bài toán về quảng cáo và hệ thống phân phối.
Đồ ăn vặt hữu dụng ở những nơi công cộng và một trong những địa điểm tuyệt vời để bán snack là rạp chiếu phim. Nhưng để snack vào được hệ thống rạp chiếu phim CGV, các nhà phân phối sẽ phải trả 1 tỉ đồng mỗi năm, chưa biết bán được hàng hay không.
Con số này thêm lần nữa cho thấy quyền lực của hệ thống phân phối, đặc biệt là với những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như snack. Với những nhãn hàng mới, giải quyết kênh phân phối luôn là chuyện khó khăn, thông thường các nhà sản xuất phải chấp nhận giảm tỉ lệ lợi nhuận. Rào cản này đặc biệt quan trọng với những thương hiệu mới vào thị trường như Karumucho.
Karamucho chọn nhà phân phối Mesa làm đầu mối chính của mình. Mesa trong lĩnh vực phân phối cũng là một ông lớn quyền lực, hiện đang phân phối cho các sản phẩm của Unilever. Theo tìm hiểu của NCĐT, Mesa cũng đồng thời là nhà phân phối cho Oishi. Bà Lương Thị Tuyết Mai, Tổng Giám đốc Mesa, cho biết hoạt động bán hàng của Karamucho mở rộng nhanh hơn so với dự kiến ban đầu. Còn thông tin từ Koikeya cho hay sau tháng đầu tiên ra mắt (từ đầu tháng 10-3.11), doanh số đạt mức 30.000 gói snack.
Phát triển kênh phân phối là yếu tố quyết định quan trọng đối với các mặt hàng tiêu dùng. Hai ông lớn Oishi và Kinh Đô thành công nhờ khai thác tốt yếu tố này. Không có thống kê cụ thể về thị phần, nhưng đâu đó người trong ngành thừa nhận Oishi có thể chiếm hơn phân nửa thị trường, còn Kinh Đô cũng quanh mức 20%.
Bên cạnh đó, Karamucho còn tận dụng phân phối qua kênh siêu thị Aeon Mall, hệ thống chuỗi cửa hàng FamilyMart. Việc xâm nhập thị trường thông qua các kênh phân phối được “đào” sẵn bởi các tập đoàn đa quốc gia cùng quê hương không phải là hiếm. Siêu thị Lotte hiện đang bán snack Bibigo của Tập đoàn CJ. BJC, nhà sản xuất bánh snack lớn ở Thái Lan, cũng đồng thời là chủ sở hữu mới của Metro, Big C. Ngoài kênh phân phối, cuộc chơi bán lẻ hàng tiêu dùng còn là cuộc chơi tài chính. Từ trước đến nay Oishi chịu khó đầu tư nhiều vào việc quảng bá trên truyền hình.
Oishi mời cả đại diện cho giới trẻ là Noo Phước Thịnh, trong khi Karamucho lại mời Katy Nguyễn, diễn viên chính trong phim “Em chưa 18” cùng mèo máy Doraemon để gây ấn tượng về sản phẩm. Đại diện của Koikeya Việt Nam cho biết, trong thời gian tới Công ty sẽ tập trung nhiều vào marketing kỹ thuật số, nhắm đến phân khúc giới trẻ
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/