Thị trường nhà đất 2017 có thực sự là cơ hội tốt cho người mua nhà?
Đây là một trong những chia sẻ của ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup với PV Infonet xung quanh câu chuyện thị trường bất động sản năm 2016 và 2017 sắp tới.
Ông Hưng cho rằng, thị trường bất động sản 2017 khó có sự tăng đột biến về giá và đó là cơ hội tốt cho người mua nhà (Ảnh: Infonet) |
Thị trường bất động sản 2016 đang dần khép lại, là đơn vị trực tiếp phân phối đa dạng các sản phẩm đến tay người mua nhà, ông có những đánh giá thế nào về thị trường này?
Tôi cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) 2016 sẽ kết thúc với con số báo cáo về thị trường không thực sự vui vẻ lắm, tổng lượng giao dịch sẽ không được như năm 2015.
Với sự bừng tỉnh của thị trường BĐS từ cuối năm 2014 và suốt 2015, nửa đầu năm 2016, nguồn cung hàng hóa trên thị trường tăng đột biến, trong khi lượng giao dịch không tăng điều đó khiến các chủ đầu tư phải cẩn trọng hơn, gặp khó khăn hơn trong việc tiêu thụ nguồn hàng của mình.
Để tránh lại dư thừa, tồn kho chủ đầu tư cần đánh giá lại phân khúc thị trường nào mà hiện nay đang hấp thụ tốt như phân khúc trung cấp và giá rẻ, còn phân khúc cao cấp mặc dù nửa đầu năm 2016 có vẻ rất tốt nhưng cuối năm 2016 đã có dấu hiệu chững lại.
Thế nhưng, một số phân khúc nghỉ dưỡng như biệt thự, condotel… lại khá thành công trong năm 2016.
Thế còn vấn đề giá cả, theo ông giá nhà có thực tăng như một số báo cáo?
Khá nhiều báo cáo cho thấy giá nhà ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể tăng 2-4%, tuy nhiên chỉ tiêu này có nhiều cách đánh giá khác nhau. Theo nguyên tắc, các chủ đầu tư sẽ phải định kỳ tăng giá để bù lại chỉ tiêu lạm phát, chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chi phí lãi vay… đặc biệt tạo ra một số lợi ích cho nhà đầu tư ban đầu khi đầu tư vào dự án.
Thế nhưng, thực tế để đánh giá các chỉ tiêu này chính xác và khách quan hơn thì các nhà nghiên cứu thị trường lại phải nhìn vào giá thực sự chủ đầu tư thu về, chứ không phải giá niêm yết.
Bởi vì giá niêm yết sản phẩm có thể tăng, điều này đồng nghĩa với việc chi phí cho việc bán hàng của chủ đầu tư cũng tăng lên do phải dùng các ưu đãi khuyến mại giảm giá, ưu đãi hình thức thanh toán chậm, kéo dài… tuy vậy, giá trị đích thực mà chủ đầu tư thu về cơ bản không tăng. Nói cách khác, thị trường hiện nay còn tiêu thụ mức độ rất ít so với tổng nguồn hàng chào bán ra thị trường. Đây là vấn đề chủ đầu tư cần lưu ý hơn trong thời gian tới.
Từ thực tế về nguồn cung, thanh khoản hiện tại, ông có nhận định thế nào về giá BĐS trong năm 2017?
Nhìn chung toàn thị trường BĐS, tôi nghĩ khó có sự tăng đột biến về giá trong thời gian tới, nhưng sẽ có sự chuyển dịch về các phân khúc. Ví dụ như, phân khúc trung và cao cấp sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới, đối với phân khúc đặc biệt cao cấp cần cẩn trọng hơn vì lượng tiêu thụ của phân khúc này rất thấp, lượng hấp thụ chỉ chiếm vài phần trăm trên thị trường.
Nguồn cung nhà ở trên thị trường hiện nay khá lớn, tại Hà Nội có khoảng trên 100 dự án với 60.000 – 70.000 sản phẩm và TP HCM có khoảng hơn 200 dự án với 80.000 sản phẩm; trong khi đó lượng tiêu thụ mỗi năm chỉ khoảng 20.000 - 30.000 sản phẩm. Do đó, sự cạnh tranh sắp tới sẽ vô cùng khốc liệt, chắc chắn chủ đầu tư cần tìm ra “vũ khí” cạnh tranh hữu hiệu hơn, cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tương đối hạn hẹp này.
Nguồn cung nhà ở còn rất nhiều như vậy, năm 2017 có phải là thời điểm tốt cho người mua nhà không, thưa ông?
Khi thị trường BĐS gặp khó khăn thì đây lại là cơ hội tốt cho người mua nhà. Năm 2012 – 2014, tôi vô cùng đáng tiếc cho những người có nhu cầu mua nhà để ở nhưng họ không ra quyết định vào thời điểm đó. Vì thời gian sau, từ năm 2014 - 2015, thị trường BĐS ấm lên và có sự tăng trưởng về giá khá mạnh.
Vì thế, khi thị trường có nhiều sản phẩm, người mua nhà có nhiều lựa chọn, có thể mặc cả và đàm phán về giá cũng như những ưu đãi của chủ đầu tư đưa ra…. thì người tiêu dùng thông minh cần nắm bắt, tranh thủ thời cơ.
Với thực tế trên, theo đánh giá của ông, liệu năm 2017 có lặp lại tình trạng khó khăn đối với các chủ đầu tư như năm 2012 không?
Tôi nghĩ họ sẽ chưa gặp khó khăn như năm 2012 vì năm 2012 là sự khủng hoảng về tài chính, tín dụng. Còn năm 2017 là do quy luật tất yếu của thị trường.
Khi thị trường ấm lên, nhiều chủ đầu tư nhảy vào cung cấp sản phẩm khiến nguồn cung tăng lên dẫn đến bão hòa về khả năng hấp thụ, càng về sau khi thị trường BĐS Việt Nam xảy ra vài chu kỳ nóng – lạnh thì người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư thứ cấp sẽ thông minh, bình tĩnh hơn, không bị ảnh hưởng bởi xu hướng trào lưu, hội chứng đám đông… đây là sự so sánh mang tính định lượng.
Ở góc độ định tính, theo tôi, thị trường BĐS vài năm tới sẽ vẫn là thị trường tốt vì với tốc độ tăng trưởng vài phần trăm mỗi năm và lượng tiêu thụ như hiện nay đang thể hiện là thị trường phát triển ổn định, có sự kiểm soát cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của cả chủ đầu tư và khách hàng, không bên nào được lợi quá hay bên nào bị thiệt thòi quá trong thời điểm thị trường này.
Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/