|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường bán lẻ ngân hàng: Điều gì đang diễn ra?

06:56 | 31/03/2017
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng trong nước tăng trưởng mạnh về bán lẻ, trong khi lại có thông tin ANZ sẽ bán mảng kinh doanh thị trường bán lẻ tại VN. Có vẻ như cuộc cạnh tranh không phải lúc nào cũng trao phần thắng về tay kẻ mạnh.
thi truong ban le ngan hang dieu gi dang dien ra
VietinBank đang tập trung phát triển mạnh mảng Ngân hàng Bán lẻ. Ảnh: Phi Nga

Thị trường đã và đang có những tổ chức từ quy mô bán buôn, có lợi thế phát triển NH đầu tư, vươn lên trở thành nhà bán lẻ lớn.

Ngân hàng nội tăng trưởng mạnh về bán lẻ

Vietinbank là 1 điển hình với tăng trưởng dư nợ bán lẻ đạt gấp 2,5 lần ở 2015 so với cùng kỳ 2014; tiếp tục đạt dư nợ tăng 35% so với năm 2015 ở cuối 2016; huy động vốn tăng 21,2% so với năm 2015, doanh thu từ bán lẻ tăng xấp xỉ 30% so với năm 2015, cao hơn hẳn so với toàn bộ tăng trưởng chung về bán lẻ của thị trường.

Sau đợt tái cơ cấu lại và xử lý các vấn đề cơ bản, ACB cũng đang lấy lại phong độ trên thị trường bán lẻ. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2016 tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.667 tỷ đồng. Kết quả đạt được chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tốt (+17,1% so với cùng kỳ năm trước) khi NHNN)chấp thuận cho nới room tín dụng cho ACB (21,0% so với 18,0% cùng kỳ năm trước) và ngân hàng đã nâng hệ số NIM (thu nhập lãi cận biên) từ 3,3% trong năm 2015 lên 3,4%.

Theo Phòng Phân tích Chứng khoán SSI, ACB tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong mảng bán lẻ năm 2016 khi cho vay cá nhân tăng khoảng 30% so với cùng kỳ mà nguyên do là nhờ mạng lưới chi nhánh rộng khắp và nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Trong đó, đáng lưu ý tỷ trọng cho vay cá nhân tăng (53% tổng dư nợ cho vay vào cuối 2016 so với 49% tổng dư nợ cho vay năm 2015) cùng hệ số LDR thuần (dư nợ/ vốn huy động) được cải thiện (2016: 77% và 2015: 76%) đã góp phần hỗ trợ hệ số NIM.

Nền tảng về công nghệ và mức độ đầu tư về công nghệ, có thể nói đã và đang là những chìa khóa giúp các ngân hàng khai thác thị trường bán lẻ. Bên cạnh những ngân hàng đã có sẵn nguồn nhân lực và hệ thống mạng lưới chi nhánh rộng khắp, có lợi thế tiếp cận khách hàng trên thị trường như ACB thì đầu tư công nghệ cũng tạo nền tảng quan trọng để các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ qua kênh hiện đại và qua mạng internet phát huy hiệu quả. Vietinbank xây dựng dự án thay thế CoreBanking với kết quả tăng trưởng nêu trên cho thấy điều này.

Ngân hàng ngoại: Kẻ đến người đi

Cuối 2014, nguyên Tổng giám đốc HSBC VN, chia sẻ với báo giới rằng bán lẻ là một lĩnh vực “phát triển chắc chắn, ổn định, ít rủi ro và doanh thu cao”. Thực tế, HSBC VN đã đầu tư dài hạn để cho ra các chính sách, sản phẩm theo đúng các khách hàng mà họ định vị, đi sâu và khai thác được mảng bán lẻ của thị trường VN. TÍnh đến 2015, HSBC đã có năm thứ 5 liên tiếp là ngân hàng có doanh số thanh toán qua thẻ hàng đầu và có doanh số thanh toán qua thẻ tín dụng hàng đầu theo thống kê của tổ chức Visa…

Tuy nhiên, đến 2016, đã có sự chuyển dịch nhất định và ngôi vương NH có doanh số chi tiêu qua thẻ Visa đã về tay một NH đứng đầu trên thị trường thẻ ATM của VN là Vietcombank. HSBC tụt xuống vị trí thứ ba. Nếu xét chi ly thêm thì ở mỗi sản phẩm của thị trường thẻ như thẻ tín dụng (credit payment volume), thẻ tín dụng (credit payment volume)… thống kê của Visa, căn cứ trên dữ liệu thanh toán do hệ thống Visanet ghi nhận, xác nhận doanh số chi tiêu phần lớn thuộc về tay các NH nội như Vietcombank, Vietinbank, MB, ACB, Techcombank… Hai cái tên NH ngoại lọt danh sách chiếm miếng bánh to ở thị trường thẻ là Citibank và HSBC.

Vậy, ANZ ở đâu trên thị trường bán lẻ khi họ đã từng trở thành NH bán lẻ tốt nhất VN năm 2013?. Hiện nhiều nguồn tin xác nhận ANZ đang xúc tiến cùng các đối tác thương thảo việc chuyển nhượng mảng bán lẻ. Theo đó, có ba NH nước ngoài và hai NH trong nước đang tìm hiểu việc mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại thị trường VN.

Nhìn tổng quát đây có thể là kế hoạch nằm trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh chung của ANZ. Tuy nhiên, cũng là ví dụ cho thấy không phải lúc bán lẻ tài chính ở VN không phải lúc nào cũng là mâm “bánh thơm” và dành cho tất cả. Bên cạnh tiềm lực tài chính, năng lực đầu tư công nghệ, giá trị thương hiệu, với thị trường mới khoảng 20% dân số thực sự được tiếp cận các sản phẩm tài chính dành cho tiêu dùng nói riêng và tăng trưởng bán lẻ nói chung vẫn ở thấp hơn so với các quốc gia đang phát triển khác cùng khu vực. Có lẽ, giá trị mạng lưới chi nhánh và nguồn lực bản địa “am hiểu” địa phương vẫn là vũ khí tối thượng hiện nay của các ngân hàng nội.

Lê Mỹ