'Thị trường AI, bán dẫn có tốc độ phát triển siêu nhanh'
Hội thảo "Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sáng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn" và hội thảo "Hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch" diễn ra song song vào chiều 1/10, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ "Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024" (Innovate Vietnam 2024) do NIC phối hợp VCCorp tổ chức.
Tại sự kiện, các diễn giả chia sẻ về tác động của AI, lĩnh vực bán dẫn với cuộc sống con người; lợi thế và những rào cản đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hai lĩnh vực này.
Các ông lớn không đứng ngoài cuộc chơi AI
Mở đầu hội thảo "Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sáng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn", bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm, khẳng định AI đang "len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống".
Công nghệ AI phát triển trong các thiết bị cầm tay đang có tác động mạnh mẽ, hỗ trợ con người tiết kiệm thời gian trong công việc, sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, các thiết bị được tích hợp AI ngày nay đều an toàn, bền vững và có tính ổn định, góp phần giảm tiêu thụ năng lượng của các trung tâm dữ liệu lớn và làm tăng hiệu quả điện toán đám mây.
Trong khi đó, TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc - Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn NVIDIA, nhấn mạnh về thế hệ tiếp theo của Gen AI. Ông cho biết tập đoàn đang cố gắng kết nối các nhà sáng tạo như Google, Facebook... cùng tham gia vào tiến trình này. Nhiều phát minh mới đã xuất hiện nhờ AI tạo sinh. Trong đó, một số công ty Việt Nam cũng tạo ra các sản phẩm AI có giá trị thương mại.
Chia sẻ về những lợi ích của AI, ông Lương Hải Đăng, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Công ty Điện tử Samsung Vina, tiết lộ về chiến lược "AI for All" của doanh nghiệp tại hội thảo. Theo đó, AI sẽ phục vụ tất cả nhu cầu của người dùng, trở thành trợ thủ trong cuộc sống hàng ngày. Với AI tích hợp trên sản phẩm, người dùng có thể tìm kiếm hình ảnh bằng cách khoanh vùng chủ thể. Điện thoại Samsung tích hợp Galaxy AI cũng hỗ trợ dịch, tóm tắt văn bản, phiên âm lời thoại bằng nhiều ngôn ngữ thông qua Note Assistant.
Trong tương lai, Samsung hướng đến việc trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu về công nghệ. Do đó, hãng tập trung vào phát triển 5G, AI forum. Với AI, thương hiệu tập trung vào dải sản phẩm gồm nhiều tính chất đột phá như TV có thể xoay, tủ lạnh lắp ghép module và thay đổi màu sắc...
"Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tầm nhìn dài hạn, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI sẽ đóng vai trò trung tâm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dùng trên toàn thế giới", ông khẳng định.
Thách thức
Các diễn giả nhận định AI và bán dẫn có tốc độ phát triển "siêu nhanh". Đây là hai thị trường có khả năng tiến tới quy mô hàng nghìn tỷ đôla rất sớm. Họ đánh giá Việt Nam hiện hội tụ những yếu tố thuận lợi để phát triển AI và bán dẫn, gồm: dân số trẻ, nhu cầu ứng dụng AI, bán dẫn trong nhiều lĩnh vực; nhiều ông lớn quan tâm phát triển công nghệ mới; Chính phủ hỗ trợ phát triển 2 lĩnh vực; Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với nhiều cường quốc công nghệ trên thế giới.
Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là thách thức, trong đó vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được các chuyên gia đề cập. Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, cho biết Việt Nam có số lượng kỹ sư AI, bán dẫn khiêm tốn hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Đồng thời, số lượng giáo viên có kinh nghiệm thực tế cũng bị hạn chế.
Vấn đề đào tạo cũng được ông Ngạc An Bang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhắc đến trong hội thảo "Hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch". Ông cho biết con người và việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn là yếu tố quan trọng nhất. Một trong những rào cản đầu tiên Việt Nam đang gặp phải là năng lực của đội ngũ giảng viên tham gia vào quá trình đào tạo. Ngoài ra, phòng thí nghiệm tại các trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là phòng thí nghiệm chuyên sâu về công nghệ bán dẫn.
Vị này cũng cho biết, các giảng viên, sinh viên bị hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ hiện đại trong ngành bán dẫn. Họ khó có cơ hội thực tập thực tế, trải nghiệm ở các doanh nghiệp công nghệ bán dẫn; nếu có, thông thường chỉ là các chuyến thăm quan. Lý do là các công ty đều cần sự bảo mật, bảo hộ bản quyền cao.
Kiến nghị về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảng viên cũng như sinh viên, ông Trần Đăng Hòa cho rằng Việt Nam cần đầu tư những chương trình đào tạo chuyên nghiệp về AI và bán dẫn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Đồng thời, các cơ sở đào tạo phải thu hút những chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và chuyển giao kiến thức. Ngoài ra, Chính phủ cần đưa ra những chính sách ưu tiên trong xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại để sinh viên có thể thiết kế, nghiên cứu, trao đổi kiến thức cũng như học hỏi từ các giảng viên, chuyên gia; kết hợp mạng lưới nhân tài.
"Chúng tôi kêu gọi người trẻ hãy coi AI, bán dẫn là cánh cửa để người Việt Nam có thể sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực", Chủ tịch FPT Semiconductor phát biểu.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo "Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sáng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam vượt qua mục tiêu, hoàn thành kế hoạch của chiến dịch 10 năm (2021-2030). Đến năm 20230, Việt Nam phải có công nghệ hiện đại và phấn đấu tới năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đất nước, người dân đạt mức thu nhập cao.
"Để xây dựng đất nước thịnh vượng, Việt Nam chỉ có thể dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giá trị văn hóa và sức mạnh của con người để trỗi dậy, thúc đẩy phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.