Thế Giới Di Động trả trước 390 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng, thấp nhất kể từ 2019
MWG liên tục tăng quy mô trong dịch
Trong suốt gần hai năm dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) vẫn liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng. Có những tháng, công ty mở mới hàng trăm điểm bán.
Ví dụ vào tháng 12/2020 và tháng 5/2021, MWG tăng thêm lần lượt 165 và 178 cửa hàng. Đây cũng là giai đoạn mà dịch bệnh tạm thời được khống chế, hoạt động kinh tế được khôi phục.
Vào quý III năm nay, nhiều địa phương trên cả nước áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt dẫn tới kết quả kinh doanh của MWG sa sút, hoạt động mở rộng mạng lưới cũng vì thế mà chậm lại.
Số cửa hàng tăng thêm trong tháng 8 và 9 vừa qua cũng là những con số thấp nhất kể từ đầu dịch đến nay. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và sập tiệm thì việc MWG vẫn có thể gia tăng số cửa hàng cũng có thể coi là kết quả đáng khích lệ.
Tính đến ngày 30/9, MWG có 4.715 cửa hàng, tăng 16% so với ngày cuối năm 2020. Chuỗi Bách hóa Xanh có 1.934 cửa hàng, chiếm 41% tổng số. Điện máy Xanh có 1.781 cửa hàng, còn lại là Thế Giới Di Động và Bluetronics.
Trả trước 390 tỷ đồng tiền mặt bằng
Để thuê số cửa hàng nói trên, MWG phải ký hợp đồng và thanh toán trước tiền thuê một số tháng nhất định, tùy thuộc vào thỏa thuận với chủ mặt bằng.
Tại ngày cuối tháng 9 vừa qua, MWG đang trả trước gần 339 tỷ đồng tiền thuê nhà ngắn hạn và gần 51 tỷ tiền thuê nhà dài hạn, tổng cộng là 390 tỷ đồng. Đây là con số thấp nhất kể từ cuối năm 2019 trở lại đây.
Việc số tiền trả trước giảm xuống mặc dù số cửa hàng tăng lên cho thấy các chủ mặt bằng đã đồng ý với điều khoản thanh toán có lợi hơn cho MWG so với trước đây.
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, MWG đã liên tục gửi công văn đến các chủ nhà đề nghị giảm 70% - 100% tiền thuê trong thời gian hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch. Đa phần đối tác cho thuê đã đồng ý với đề xuất này. Một số chủ nhà không nhất trí và đưa các văn bản liên quan tới MWG lên mạng xã hội, tạo nên ồn ào dư luận trong thời gian qua.
Với những chủ nhà không đồng ý giảm tiền thuê, MWG đã thanh lý hợp đồng và trả mặt bằng. Do công ty thanh toán trước trước tiền thuê cửa hàng nên khi thanh lý sớm, đối tác cho thuê có thể phải trả lại tiền cho MWG.
Tại ngày cuối quý III năm nay, MWG ước tính các khoản tiền thuê phải trả trong tương lai theo hợp đồng thuê hoạt động là 22.668 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với ngày cuối tháng 12.
Các khoản đến hạn trong một năm là 3.457 tỷ đồng (chiếm 15%), từ một đến 5 năm là 11.827 tỷ (chiếm 52%), còn lại là tiền thuê đến hạn sau 5 năm.
Triển vọng khi nới giãn cách và mở chuỗi mới
Tháng 9 năm nay, MWG ghi nhận doanh thu thuần 8.325 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 333 tỷ, tăng lần lượt 28% và50% so với tháng 8.
Sự cải thiện này đến từ việc hàng nghìn cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh được phép hoạt động trở lại tại nhiều tỉnh thành. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, triển vọng kinh doanh của MWG trong quý cuối năm sẽ tương đối khả quan.
So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế quý III của MWG giảm 17% nhưng riêng tháng 9 đã có tăng trưởng dương.
Trong thời kỳ giãn cách, doanh số máy tính xách tay (laptop) của MWG lên cao vượt bậc do hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà. Riêng trong tháng 9 - cũng là mùa tựu trường, MWG bán hơn 50.000 chiếc laptop và đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ 2020.
Ngày 22/10 vừa qua, MWG đã khai trương chuỗi TopZone chuyên bán sản phẩm Apple tại Việt Nam, bao gồm đầy đủ các sản phẩm như iPhone, iPad, Apple Watch, Macbook và các phụ kiện chính hãng.
Topzone có 2 mô hình cửa hàng là Apple Authorized Reseller (AAR) với diện tích 100-120 m2 tích hợp bên cạnh cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện máy Xanh và Apple Premium Reseller (APR) là các cửa hàng độc lập với diện tích 180-220 m2 (dự kiến khai trương trong tháng 12 năm nay). Vì vậy, số cửa hàng của MWG sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Doanh thu dự kiến cho mỗi cửa hàng AAR là 2-3 tỷ đồng/tháng và mỗi cửa hàng APR là 8-10 tỷ đồng/tháng.