|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thay chân Mỹ, Trung Quốc dẫn dắt kinh tế Châu Á

08:42 | 04/04/2019
Chia sẻ
Hãng tin Nikkei nhận định: Trong nhiều thập kỉ, nền kinh tế Mỹ đóng vai trò quyết định đối với kinh tế tại châu Á, tuy nhiên, thời đại đã thay đổi và Trung Quốc mới là người nắm giữ vận mệnh mới.
Thay chân Mỹ, Trung Quốc dẫn dắt kinh tế Châu Á - Ảnh 1.

Phần lớn hàng xuất khẩu của châu Á đã được người dân Trung Quốc tiêu thụ.

Các mảng kiến tạo của kinh tế châu Á đang dịch chuyển. Trong nhiều thập kỉ, nền kinh tế Mỹ đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Người tiêu dùng Mỹ thiết lập tốc độ cho các nhà xuất khẩu châu Á và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đặt ra mức chi phí cho các doanh nghiệp châu Á.

Tuy nhiên, dần dần, trung tâm của trọng lực đã dịch chuyển. Mặc dù đồng USD và lãi suất tại Mỹ vẫn quyết định các điều kiện vốn trên toàn cầu, nhu cầu đang ngày càng được củng cố bởi Trung Quốc.

Sự thay đổi thời đại này vừa tạo ra căng thẳng vừa tạo ra cơ hội mới.

Fed đã báo hiệu rằng họ sẽ dừng thắt chặt tiền tệ trong năm nay bằng việc giữ nguyên lãi suất trong suốt năm 2019. Thông tin này dường như là một sự giải thoát cho các doanh nghiệp chật vật vay vốn tại châu Á, từng chứng kiến phí vay vốn tăng vọt trong năm 2018.

Vào thời điểm đó, việc tăng lãi suất của Fed không chỉ đẩy đồng USD lên cao hơn so với các loại tiền tệ khác mà còn khiến các quan chức tiền tệ tại Ấn Độ, Indonesia và Philipines tăng lãi suất chính sách theo. Các quan chức này cũng đẩy phí vay vốn trên thị trường ở những nơi khác.

Trong quá khứ, một lập trường mềm mỏng hơn của Fed là con dao hai lưỡi đối với các nền kinh tế châu Á. Phí vay vốn thấp hơn là điều chắc chắn được hoan nghênh, tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với nhu cầu xuất khẩu yếu hơn.

Rốt cuộc, Fed thường chỉ nhượng bộ khi nhu cầu tại Mỹ có nguy cơ tuột dốc. Và điều này vẫn đúng đến ngày hôm nay: triển vọng kinh tế càng thách thức, trải dài từ thị trường nhà đất yếu đến chi tiêu tiêu dùng giảm, mới khiến Fed thay đổi lập trường.

Tuy nhiên, đối với nhiều nền kinh tế ở châu Á, nhu cầu tại Mỹ chao đảo không còn là mối quan tâm lớn như trong quá khứ. Trung Quốc đã thúc đẩy chu kì thương mại tại châu Á trong những năm gần đây, thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu số một ở gần như khắp mọi nơi, trừ Philipines, Ấn Độ và Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở đó, đầu tư và du lịch tăng vọt từ Đại lục cũng tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở các nước khác, từ Hàn Quốc đến Thái Lan và nhiều nơi khác.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khu vực này đã được hưởng những điều kiện tốt đẹp nhất từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: phần lớn từ một Fed với chính sách ôn hòa, cùng nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào tăng trưởng của Trung Quốc đã mất đi phần nào sự hấp dẫn khi nền kinh tế tại Đại lục chững lại. Kết quả là, tăng trưởng xuất khẩu ở châu Á đã tụt xuống mức âm trong những tháng gần đây.

Bất kể đó là các nhà sản xuất công nghệ Nhật Bản hay các nhà sản xuất linh kiện Malaysia, nhu cầu tại Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với họ. Lo ngại về việc nền kinh tế Trung Quốc chững lại đã lan rộng.

Tuy nhiên, có những lí do chính đáng để kì vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi sinh trở lại. Đầu tiên, các nhà chức trách Trung Quốc đang kích thích để nâng cao nhu cầu. Chủ trương này chủ yếu tập trung vào cắt giảm thuế, trị giá hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội, bắt đầu được thực hiện vào ngày 1/4.

Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận thấy rằng nhu cầu suy giảm ở Đại lục trong năm qua là kết quả của một quyết định chính sách có chủ ý nhằm "giảm rủi ro" cho nền kinh tế bằng cách kiềm chế tài chính ngầm.

Chính sách này đánh mạnh vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, lĩnh vực này đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. Một lập trường mềm mỏng hơn từ các quan chức Trung Quốc do đó hứa hẹn ít nhất một phần nhu cầu sẽ phục hồi.

Đồng thời, với qui mô ngày càng mở rộng của nền kinh tế Trung Quốc, nước này không cần tăng trưởng cùng tốc độ từ năm này qua khác để thúc đẩy nhu cầu cho toàn châu Á.

Ngay cả khi tăng trưởng tại Trung Quốc chậm lại khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm mỗi năm, khả năng thúc đẩy nền kinh tế các nước lân cận vẫn hầu như không thay đổi.

Thay chân Mỹ, Trung Quốc dẫn dắt kinh tế Châu Á - Ảnh 2.

Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, người dân vẫn đầu tư khoảng 240 tỉ USD cho hoạt động du lịch.

Tất nhiên, việc giảm tốc nhanh hơn có thể gây ra bất lợi. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra trong những tháng gần đây. Đồng thời, các biện pháp kích thích mới nhất không cần phải nâng mức tăng trưởng trở lại tốc độ của những năm gần đây, vì nền kinh tế đã tăng trưởng trung bình 6,6% năm 2018, tốc độ tăng trưởng trong khoảng 6,3 - 6,4% trong năm nay vẫn đủ để giữ các nền kinh tế tại châu Á trong guồng quay vốn có.

Đây là một hướng tiếp cận có vẻ máy móc. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét các kênh khác mà thông qua đó, sự tăng trưởng của Trung Quốc ảnh hưởng đến khu vực châu Á, có nhiều lí do để tiếp tục lạc quan.

Chẳng hạn, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Một phần trong lượng xuất khẩu ngày càng tăng của các nước châu Á sang Đại lục được tiêu thụ chính tại đây, thay vì được sử dụng để lắp ráp và xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới.

Theo một số cách tính, vào giữa những năm 2000, khoảng 40% hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã được vận chuyển đến nơi khác. Ngày nay, tỉ lệ này chưa đến 25%. Do đó, các nhà xuất khẩu tại châu Á được hưởng lợi do nhu cầu trong nước ngày càng tăng tại Trung Quốc, mang đến nhiều cơ hội cho họ hơn, ngay cả khi tăng trưởng chung vẫn giảm theo thời gian.

Bên cạnh đó, khách du lịch Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ vào các nước châu Á với số lượng lớn chưa từng thấy, bất chấp sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc. Tỉ lệ tăng trưởng số chuyến du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc đã tăng từ khoảng 6% năm 2017 lên hơn 13% năm 2018. Ngay cả khi nền kinh tế nước này chậm lại, người dân vẫn chi khoảng 240 tỉ USD cho hoạt động du lịch.

Cho đến nay, sự thay đổi của các mảng kiến tạo tại châu Á vẫn diễn ra theo hướng có lợi. Lãi suất thấp tại Mỹ và nhu cầu tại Trung Quốc phục hội sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn.

Chúng ta sẽ cảm nhận được sự rung động nếu quá trình này đảo ngược trong tương lai: Fed tăng lãi suất và nhu cầu tại Đại lục suy giảm. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đến lúc xảy ra.


Trần Nam Thi