Tháo rào cản cho DN ứng dụng công nghệ cao
|
Eo hẹp nguồn vốn
Công ty TNHH Đà Lạt GAP là DN đã được Bộ NN&PTNT công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC từ năm 2012. Hiện nay, DN có 11ha nhà kính trồng rau theo hướng nông nghiệp CNC, với hệ thống cửa hàng tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: TP.HCM, TP.Đà Nẵng, TP.Hà Nội, TP.Huế… Không chỉ vậy, DN cũng đang XK sản phẩm vào thị trường Nhật Bản với số lượng 800 -1.000 tấn/năm. Mục tiêu mà DN đặt ra là đến năm 2020 sẽ có sản phẩm đạt chất lượng cao như Hà Lan hiện tại và xuất sang thị trường Nhật Bản.
Đại diện Công ty cho biết, khi ứng dụng CNC vào nông nghiệp, năng suất tăng từ 1,5-4 lần (đã ứng dụng tại TP.Đà Lạt), quan trọng hơn cả là chất lượng nông sản được cải thiện. Hiện tại, ở Đà Lạt diện tích ứng dụng CNC của DN cho doanh thu trung bình từ 1,2-2,8 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, tốc độ ứng dụng CNC đang bị kìm hãm bởi nguồn vốn. Mỗi ha nhà kính có giá trị đầu tư từ 1,8-4,2 tỷ đồng. Hiện tại, DN gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận vốn vay từ ngân hàng bởi ngân hàng chỉ cho vay thế chấp bằng đất nông nghiệp, còn nhà kính và các trang thiết bị trong nhà kính không có chính sách đưa vào thế chấp.
Liên quan tới vấn đề này, ông Ngô Tiến Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Ứng dụng CNC trong nông nghiệp cho hay: Có DN đã bộc bạch rằng, DN bỏ ra tới 8 tỷ đồng để trồng hoa trong nhà kính, song khi cần xoay vốn, đem vườn hoa đó đi thế chấp ngân hàng, ngân hàng lại chỉ cho vay 70 triệu đồng. Không có vốn, DN có muốn cũng không thể đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp CNC.
Chính sách phù hợp hơn
Bên cạnh nguồn vốn, đất đai manh mún, chính sách hạn hẹp cũng là điều khiến các DN nông nghiệp CNC gặp khó khi phát triển. Ông Ngô Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta có đất nhưng chất lượng thấp. Mảnh đất được chia ra với diện tích nhỏ thì làm sao đầu tư phát triển nông nghiệp CNC được, trong khi ở nước ngoài mỗi mảnh đất rộng hàng ha. Công nghệ là vấn đề then chốt trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên nhìn chung hiện chúng ta đang thiếu đất, thiếu vốn, thiếu chính sách. Muốn giải quyết được vấn đề này cần xây dựng chính sách đồng bộ để DN đầu tư sản xuất”.
Từ góc độ thực tiễn của DN sản xuất, ông Phùng Văn Huy, Tổng Giám đốc Công ty Huy Hoàng cho biết: DN mới tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với việc sản xuất phân bón hữu cơ. Gần đây, chủ trương của Nhà nước nói nhiều tới nông nghiệp CNC, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bộ quy chuẩn nào về nông nghiệp hữu cơ mà mới chỉ đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện. “Tôi cho rằng muốn đạt giá trị cao trong sản xuất phải hướng tới thị trường XK. Để bán được sản phẩm cho thị trường nước ngoài, nhất là thị trường khó tính thì bản thân chúng ta phải có sự chứng nhận bằng các bộ quy chuẩn được trong nước hoặc quốc tế công nhận. Ở thời điểm hiện tại, DN đã tự định ra tiêu chuẩn hữu cơ cho sản phẩm trong nước với mục đích sản xuất để đáp ứng nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC. Sản phẩm của DN được các đơn vị sử dụng đánh giá khá cao, song DN gặp khó khi đến nay không có chính sách nào hỗ trợ trực tiếp”, ông Huy nói.
Công ty CP Nông nghiệp CNC Trung An cũng là một trong những DN tham gia tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp CNC với sản phẩm cung ứng là thị trường là gạo. 100% các sản phẩm gạo của công ty đều là gạo sạch (Global G.A.P.) và gạo hữu cơ (Organic), được chế biến từ nguồn lúa trồng trên các cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu và tiêu chuẩn hữu cơ do các tổ chức quốc tế hướng dẫn giám sát, cấp giấy chứng nhận. Đại diện Công ty này đưa ra kiến nghị, để có nhiều DN đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hiện đại, bền vững, tạo ra những sản phẩm hàng hóa cạnh tranh được với hàng hóa của các nước, việc làm cấp bách hiện nay là Bộ NN&PTNT phải rà soát lại nội dung Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản (đã bị bãi bỏ) và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; đề nghị có một quyết định mới thay thế với những nội dung điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hơn.
Cụ thể như, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn bằng đồng Việt Nam qua hệ thống các ngân hàng thương mại để mua máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch bao gồm: Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp được UBND xã xác nhận là cá nhân trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các DN có đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, có ký hợp đồng liên kết, đầu tư, tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân, được Sở NN&PTNT các tỉnh thành hoặc UBND các tỉnh thành phê duyệt dự án (hoặc phương án) cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Bên cạnh đó, việc vay vốn và hỗ trợ lãi suất được thực hiện đối với các loại máy móc thiết bị như: Các loại máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía, máy sấy, silo chứa nông sản… (bao gồm cả máy móc sản xuất trong nước và NK). Mức tiền vay tối đa để mua máy móc thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất. Các ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay theo quy định và Ngân hàng Nhà nước cấp bù phần lãi suất được hỗ trợ…