|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thanh toán không dùng tiền mặt: Sớm có khung pháp lí thử nghiệm

08:33 | 09/03/2020
Chia sẻ
Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh. Nếu cơ chế thử nghiệm sớm ban hành, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tận dụng được cơ hội để thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo động lực tăng trưởng mới.
Thanh toán không dùng tiền mặt: Sớm có khung pháp lí thử nghiệm - Ảnh 1.

Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh.

Doanh nghiệp chờ đợi

Đã hơn một năm trình Đề án Mobile Money, song đến nay, cả Viettel lẫn VNPT đều chưa được triển khai. Tương tự, đề xuất được tham gia lĩnh vực chuyển mạch, bù trừ của hàng loạt doanh nghiệp công nghệ cũng chưa được chấp thuận. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp cho vay ngang hàng (P2P lending) cũng đang ngóng đợi khung pháp lý thử nghiệm để tránh cảnh mập mờ, hoạt động “ngoài vòng pháp luật”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT-Media cho rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng mà không cần tới ngân hàng. Nếu chỉ dựa vào hệ thống ngân hàng truyền thống, thì không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Lương, Phó tổng giám đốc VNPay nhận xét, với cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, đòi hỏi lớn nhất của người tiêu dùng là kết nối nhanh chóng, dễ dàng. Đây là điều mà các công ty công nghệ tài chính (fintech) hoàn toàn có thể giải quyết được.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng rất nhiều văn bản pháp lý liên quan đến các loại hình thanh toán mới như Mobile Money, P2P lending, trung gian thanh toán…, song đa phần vẫn trong giai đoạn lấy ý kiến.

Tại buổi họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị triển khai thí điểm Mobile Money trong quý I/2020 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông, thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến với 100% người dân. 

Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được Chính phủ ban hành đầu năm nay đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới…

Hàng loạt khung pháp lý thử nghiệm sắp ban hành

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, với tính tiện lợi, nếu được cấp phép, các loại hình thanh toán mới sẽ phát triển rất nhanh, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành. 

Mặc dù sẽ cạnh tranh với ngân hàng, song về cơ bản, các loại hình thanh toán mới nhắm vào phân khúc tiêu dùng nhỏ lẻ, nên tăng tiện lợi cho khách hàng.

“Với sự đơn giản, tiện lợi, các phương tiện thanh toán mới thông qua di động, nhất là Mobile Money sẽ tăng trưởng mạnh so với ví điện tử và thẻ ngân hàng. 

Thực tế, rất nhiều người sẵn sàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ví điện tử hay tiền di động, thay vì thông qua thẻ hay chuyển khoản ngân hàng, nhất là với những giao dịch thanh toán lặt vặt”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico khẳng định.

Hiện tại, nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt (trong đó có quy định về Mobile Money) đang được NHNN hoàn thiện. 

Cơ quan này cũng đang xây dựng Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox), xây dựng cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) tại Việt Nam…

NHNN cho biết, theo kế hoạch của đơn vị này, hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hành lang pháp lý thử nghiệm các phương tiện thanh toán mới sẽ được ban hành trước tháng 12/2020, bao gồm: Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; sửa đổi, bổ sung các thông tư về thanh toán không dùng tiền mặt, về dịch vụ trung gian thanh toán; đề xuất Thủ tướng ban hành quyết dịnh thí điểm Mobile Money… Riêng thông tư về áp dụng xác thực điện tử (eKYC) sẽ ban hành trước tháng 9/2020.

Vấn đề mà NHNN lo ngại nhất hiện nay trong việc đưa ra hành lang pháp lý thử nghiệm các mô hình, các phương tiện thanh toán mới là tính an toàn, bảo mật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như ngăn chặn các mô hình mới này bị lợi dụng để thực hiện các hành vi như rửa tiền, tài trợ khủng bố…, nhất là trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới.

Theo Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới, sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Đồng thời, xây dựng khung khổ thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin, như ví điện tử, định danh điện tử, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trên Internet… và trình Chính phủ trong năm 2020.

Hà Tâm

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.