|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thành phố mới Bình Dương 'thất thủ'

07:24 | 20/08/2018
Chia sẻ
Thành phố mới Bình Dương, dự án có quy mô vốn đầu tư lên đến gần 10 tỷ USD với kỳ vọng sẽ trở thành một Singapore thu nhỏ, thu hút hàng trăm ngàn người về đây sinh sống và làm việc, tạo sự lan tỏa về phát triển công nghiệp dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản. Đến thời điểm hiện nay, nhiều nỗ lực để tạo sức sống cho Thành phố Bình Dương đều đã được triển khai nhưng điều quan trọng nhất là hầu như vắng bóng cư dân.
thanh pho moi binh duong that thu
Dự án Đông Đô Đại Phố với hàng trăm căn nhà phố được xây dựng đang bị bỏ hoang do không có người ở. Ảnh: Lê Toàn

Từ thiên đường đến phố vắng

Bình Dương từng được biết đến là một địa phương có thị trường bất động sản năng động nhất tại các tỉnh phía Nam nhờ lợi thế liền kề với TP. HCM và hạ tầng phát triển.

Đặc biệt, từ năm 2014, giữa lúc thị trường bất động sản chung của phía Nam gặp nhiều khó khăn thì thị trường bất động sản Bình Dương vẫn khá sôi động bởi sự kỳ vọng việc “dời đô” của trung tâm hành chính của Bình Dương về Thành phố mới sẽ khiến nơi đây trở thành thiên đường của hoạt động kinh doanh bất động sản. Người dân Bình Dương và lượng lớn cán bộ, chuyên gia, nhân công sẽ hội tụ về địa phương này sinh sống và kinh doanh.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thiên đường đâu không thấy, chỉ thấy đây là một thành phố vắng người. Phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vừa có cuộc trở lại Thành phố mới Bình Dương sau gần 5 năm kể từ khi Trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương được di dời về đây - cột mốc được xem là “át chủ bài” trong việc đưa dân về với Thành phố này.

Điều dễ dàng nhận thấy ở Thành phố này là dù hạ tầng đường sá, nhà cửa thênh thang nhưng vắng vẻ đến lạ thường. Điểm nhấn của Thành phố mới là trung tâm hành chính tập trung hoành tráng, dọc theo các trục đường lớn là hàng loạt dãy nhà phố xây dựng bài bản, nhưng lượng người qua lại khá thưa thớt.

Một loạt shophouse của Dự án Aroma được xây dựng trên một con đường rộng rãi cũng chưa có người thuê để kinh doanh. Kế bên, Dự án Prince Town với những dãy nhà phố khang trang nằm đối diện Trường đại học Quốc tế Miền Đông cũng chỉ có vài căn nhà có người ở, buôn bán lặt vặt trông hết sức ảm đạm.

thanh pho moi binh duong that thu

Cả khu phố vắng bóng người. Ảnh: Lê Toàn

Trên trục đường Tôn Đức Thắng, hàng chục căn biệt thự sang trọng thuộc dự án Sunflower đang bị bỏ hoang, một số thi công dở dang, ngập chìm trong cỏ dại.

Được biết, dự án này do Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng kỹ thuật Becamex IJC làm chủ đầu tư, bao gồm 110 căn biệt thự, có diện tích từ 360m2 trở lên, từng được mệnh danh là khu biệt thự triệu đô đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Sát cạnh Sunflower là một dự án hoành tráng khác mang tên Lakeview Villas của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Becamex UDJ, suốt nhiều năm vẫn chưa thành hình. Dự án này có tổng diện tích 6,5ha, bao gồm 92 nền biệt thự cao cấp có diện tích 300 - 900m2, nhưng đến nay mới vài căn biệt thự được xây dựng.

Một dự án khác mang tên Đông Đô Đại Phố với hàng trăm căn nhà phố được xây dựng đang bị bỏ hoang do không có người ở. Xa hơn là dự án Green River do Công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư với hàng trăm ha đất đã được phân lô bán hết cho khách hàng từ hàng chục năm trước, nhưng đến nay không ai đến xây nhà, đã biến thành bãi đất trống cây cối phủ xanh cao ngút.

Ngoài ra, trên các tuyến đường như Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Lê Lợi, Lê Lai… rộng thênh thang nhưng lác đác chỉ có các công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản mở ra, trong khi hầu như không có khách đến giao dịch.

Giải mã nguyên nhân “thất thủ”

Dự án Thành phố mới Bình Dương theo quy hoạch có tổng diện tích 1.000ha, được kỳ vọng đủ khả năng phục vụ cho khoảng 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Để thực hiện siêu dự án này, Becamex IDC tính toán tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.

Thành phố có 7 phân khu chức năng gồm trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; công viên công nghệ kỹ thuật cao; trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; khu phục vụ cộng đồng (quảng trường, công viên, hồ sinh thái…); khu văn phòng cho thuê, nhà hàng, khách sạn cao cấp và các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Đến thời điểm hiện nay, cơ sở hạ tầng của Thành phố mới đã được đầu tư khá bài bản, hầu hết sản phẩm nhà ở đã được bán ra và đều đã có chủ. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về thực trạng của Thành phố mới Bình Dương, các chuyên gia bất động sản đều cho rằng, Thành phố mới đưa ra tầm nhìn quá xa so với thực tiễn. Hiện nay, vấn đề cốt lõi của Bình Dương là chính sách đưa dân về khu vực Thành phố mới và điều này không hề đơn giản cũng như có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Theo tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc có thời gian hoạt động khá lâu tại Bình Dương, Thành phố mới Bình Dương nói riêng và các dự án khu đô thị tại địa phương này nói chung đang có một thực tế chung là dự án được hình thành nhưng không kéo được dân về ở.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nút thắt rõ nhất là hầu hết sản phẩm bất động sản tại Thành phố mới Bình Dương trước đây được bán ra với giá cao từ 5 - 7 tỷ đồng/căn, thậm chí có những dự án biệt thự có mức giá lên đến hàng triệu USD/căn, vượt quá tầm với của hầu hết người có nhu cầu thực là cán bộ, công nhân các khu công nghiệp.

“Đến nay, hầu hết sản phẩm bất động sản trong Thành phố mới đã được bán, nhưng hầu như khách hàng toàn là các nhà đầu tư ở tận Hà Nội, TP.HCM hay nhiều địa phương khác mua để đầu tư hoặc mục đích cho thuê chứ không mấy ai mua vì nhu cầu để ở. Còn với dân địa phương có nhu cầu thật để ở khó có khả năng mua được bất động sản tại đây”, vị tổng giám đốc này nói.

Ở một góc độ khác, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại Bình Dương cho rằng, thất bại trong việc kéo dân về ở của Thành phố mới Bình Dương có sự sai lầm từ trong quy hoạch phát triển dự án.

“Nếu như trong Thành phố mới có những công trình như bệnh viện, chợ và các dự án nhà ở cao tầng dành cho người thu nhập trung bình sẽ thu hút được người dân về ở. Tuy nhiên, ở đây toàn sản phẩm bất động sản cao cấp dành cho những người có tiền, trong khi các đối tượng này lại không có nhu cầu để ở mà chỉ để đầu tư”, vị phó tổng giám đốc này nói và cho biết, vì không có người dân ở nên các dịch vụ không thể phát triển, ngay cả các dãy nhà phố, shophouse ở đây cho thuê không đồng cũng không ai thuê, vì kinh doanh sẽ bị thua lỗ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về khá nhiều dự án tại Bình Dương như Green River, Dự án Prince Town do Becamex IJC... đã hoàn thiện từ lâu nhưng không có người dân về ở, bà Võ Thị Thùy Trang, Phó Tổng giám đốc Becamex IJC cho rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp là đầu tư dự án, còn việc khách hàng sau khi mua có về ở hay không thì doanh nghiệp không thể điều tiết được.

Xem thêm

Tăng Triển