Thanh Hóa: Dự án treo làm tan hoang rừng phòng hộ?
Nhiều dự án du lịch được UBND tỉnh Thanh Hóa chứng nhận cho đầu tư du lịch hơn 10 năm nay. Thế nhưng, đến nay các dự án này vẫn chỉ nằm im trên giấy, còn những cánh rừng phòng hộ thì bị tàn phá khủng khiếp.
Nhiều dự án đã được chứng nhận đầu tư hơn 10 năm nhưng cũng vẫn nằm im bất động trên giấy |
Phá hết rừng, dự án vẫn còn…nguyên trên giấy
Điển hình như năm 2004, tỉnh Thanh Hóa giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án biệt thự Hùng Sơn tại xã Quảng Vinh (TP Sầm Sơn). Đã hơn 10 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa triển khai xây dựng mà việc duy nhất doanh nghiệp này làm là chặt bỏ nhiều diện tích rừng phi lao chắn cát để khoanh vùng đất.
Bên cạnh đó, còn có những dự án như Dự án Khu du lịch biển Tiên Trang được UBND tỉnh Thanh Hóa chứng nhân cho Công ty TNHH SoTo làm dự án du lịch từ những năm 2008. Đến nay, dự án này cũng chỉ được chủ đầu tư đầu tư vài hàng mục rồi để đó nhưng nhiều cánh rừng phòng hộ nơi có dự án này đi qua như xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) thì đã bị chặt hạ chòi bãi cát trắng.
Chua xót, tiếc nuối những cánh rừng phi lao chắn gió, giữ đất cho làng đã không còn, ông Phan Viết Cảnh, Phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) bức xúc: “Ban đầu họ nói lấy đất làm dự án du lịch, người dân cũng mừng lắm vì có nhiều dự án thì sẽ có nhiều công ăn việc làm cho bà con. Nhưng dự án cả 10 năm nay chẳng thấy đâu chỉ thấy “máu thịt” của làng bị chặt hạ không thương tiếc. Đối với chúng tôi, rừng phi lao được quý hơn vàng, cây nào bị bão gió quật đỗ là người dân lại kéo nhau ra trồng cây khác thay thế ngay, nó góp phần như lá chắn cho người dân sống dọc tuyến này. Giờ đây, mỗi mùa mưa bão kéo đến, người dân lại nơm nớp lo sợ bị bão gió cuốn phăng mất nhà của, tình trạng biển ăn sâu vào khu dân cư ngày càng nghiêm trọng”, ông Cảnh cho biết.
Nhiều dự án chỉ được chủ đầu tư xây dựng vài hạng mục rồi bỏ không nhiều năm (Dự án biệt thự Hùng Sơn tại xã Quảng Vinh - TP Sầm Sơn) |
Trao đổi với PV DĐDN, ông Nguyễn Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn cho biết: Những cánh rừng phi lao này được trồng theo đề án 661 và 327 cách đây 20 - 30 năm, nhằm tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển, chống xâm thực, ngăn gió cát mỗi khi mưa bão tràn vào. Trên địa bàn xã có dự án biệt thự Hùng Sơn được tỉnh giao đất cho doanh nghiệp từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, chỉ thấy doanh nghiệp chặt bỏ hàng chục ha phi lao chắn cát. Việc này đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan bờ biển bị biến đổi, ngư dân không còn chỗ neo đậu tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt trên biển. Nếu có một cơn bão mạnh cỡ cấp 11, tính mạng, nhà cửa, tài sản của hàng chục hộ dân ở sát bờ biển sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng tôi kiến nghị nếu doanh nghiệp cần sớm triển khai dự án, còn nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thì UBND tỉnh nên thu hồi dự án để bà con yên tâm sản xuất, trồng mới phi lao chắn sóng” – ông Vân cho biết thêm.
Tiếp tục “xóa sổ” thêm 2.000 ha rừng phòng hộ
Theo tìm hiểu của PV, ngày 29/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3230 phê duyệt lại 3 loại rừng (giai đoạn 2016-2025), trong đó địa phương này đã đưa ra ngoài quy hoạch hơn 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển (1.544 ha rừng chắn gió, cát; 488 ha rừng chắn sóng) vì không đủ tiêu chí lại tiếp tục khiến người dân hoang mang.
Nhiều diện tích trước đây là rừng phòng hộ nhưng nay chỉ còn trơ bãi cát trắng (xã Quảng Vinh, TP Sầm Sơn) |
Theo quyết định, địa phương này gần như “xóa sổ” hoàn toàn diện tích rừng phòng hộ chắn gió, cát (rừng phi lao), chỉ để lại 20 ha trong tổng số 1.564 ha được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2007-2015. Đặc biệt, huyện Quảng Xương không còn 1m2 rừng phòng hộ chắn gió, cát, trong khi theo quy hoạch cũ địa phương này có gần 300 ha.
Trước đó, tại Quyết định 2755 ngày 12/9/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) giai đoạn từ năm 2006-2015, Thanh Hóa có 1.564 ha rừng phòng hộ chắn gió, cát bay (trong đó có hơn 1.150 ha diện tích đất có rừng) và gần 1.882 ha đất phòng hộ chắn sóng lấn biển.
Chính việc đưa ra ngoài quy hoạch 2.000 ha rừng phòng hộ này của tỉnh Thanh Hóa đã khiến cho hàng nghìn người dân sống quanh khu vực ven biển lo lắng.
Một người dân sống tại xã Quảng Vinh than thở: “Rừng phi lao không chỉ chắn gió, giữ đất giúp người dân mà nó như máu thịt của ngư dân vùng biển. Nay chặt hết đi rồi, nhà cửa, làng mạc biết bấu víu vào đâu”.
Trao đổi ông Đàm Văn Hùng, Phó chi Cục trưởng Chi Cục lâm nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết, việc hàng nghìn ha rừng phòng hộ ven biển bị “xóa sổ” tại quyết định 3230 là do diện tích rừng này có sự biến động theo thời gian. Sau khi rà soát không còn đạt các tiêu chí theo quy định nên chuyển sang rừng sản xuất hoặc đưa ra ngoài quy hoạch. Thực trạng nhiều diện tích rừng phòng hộ bị xóa sổ do không đủ tiêu chí không chỉ riêng Thanh Hóa mà cả nước đều làm vậy.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.