|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng tự chủ sản xuất chip của Trung Quốc: Hơn 10.000 công ty đóng cửa sau hai năm

16:53 | 14/05/2023
Chia sẻ
Ngành sản xuất chip của Trung Quốc được bơm tiền với nhiều chính sách ưu đãi từ chính quyền, song việc thiếu vắng nhân tài và nhà quản lý lão luyện đã đẩy họ đến bờ vực phá sản.

Kế hoạch chiến lược quốc gia “Made in China 2025” nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho việc thành lập hàng chục nghìn công ty thiết kế chip chỉ trong vài năm.

Tuy nhiên, phần nhiều trong số những công ty này đã không thể tồn tại trong bối cảnh cuộc cạnh tranh gay gắt với nhau và với những tay chơi toàn cầu. Đó là tại sao đã có khoảng 10.000 công ty chip tại Trung Quốc đóng cửa chỉ trong giai đoạn 2021 - 2022, theo DigiTimes.

Các nhà quan sát thị trường đặt câu hỏi rằng hiện tượng này là do Mỹ thắt chặt xuất khẩu hơn trong giai đoạn 2002 - 2022 hay do suy thoái của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang diễn ra? 

Theo chuyên gia, mặc dù cả hai yếu tố trên đều góp phần vào việc đóng cửa của các công ty này. Tuy nhiên, có một vấn đề khác tồn tại ở Trung Quốc khiến khoảng 10.000 công ty sản xuất chip phải đóng cửa.

 Bên ngoài một công ty chip tại Trung Quốc. (Ảnh: Tom's Hardware).

Chương trình Made in China 2025 đã thực hiện một số chính sách để đạt được các mục tiêu của mình, bao gồm giảm thuế cho các công ty công nghệ cao, khuyến khích mua lại công ty công nghệ nước ngoài, hỗ trợ tài trợ R&D của các nhà sản xuất lớn và tài trợ R&D trực tiếp của nhà nước, cùng nhiều chính sách khác. 

Kết quả chương trình đã truyền được cảm hứng để số lượng nhà phát triển chip tại Trung Quốc tăng từ 736 năm 2015 lên 1.780. Giai đoạn 2020–2021 đã chứng kiến sự bùng nổ khi có tới 70.000 công ty chip đã được đăng ký, theo DigiTimes.

Báo cáo thừa nhận rằng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018 càng thôi thúc chính phủ Trung Quốc tài trợ cho các công ty công nghệ cao, với nhiều công ty thiết kế vi mạch được thành lập nhờ trợ cấp từ chính quyền trung ương hoặc địa phương. 

Ngoài các khoản trợ cấp, dòng vốn đầu cơ ồ ạt đã thúc đẩy việc thành lập các công ty thiết kế vi mạch. Ngành công nghiệp bán dẫn nổi tiếng là thâm dụng vốn, nhưng lĩnh vực này phụ thuộc rất nhiều vào tài năng, quản lý giàu kinh nghiệm và kiến thức.

Ngay cả khi một công ty có nguồn lực dồi dào thì vẫn cần thu hút nhân tài, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời đảm bảo đủ năng lực sản xuất từ các xưởng đúc để phát triển bền vững lâu dài. 

Nếu không có tài năng kỹ thuật và quản lý phù hợp, cơ hội thành công là không cao. Mặc dù ngày nay có rất nhiều kỹ sư ở Trung Quốc nhưng lại không có đủ nhà quản lý để điều hành thành công các công ty thiết kế vi mạch này.

Trong khi đó, bong bóng đầu tư nổi lên. Ding Xing Quantum, một công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Trung Quốc, đã đầu tư vào các nhà thiết kế vi mạch trong nước từ năm 2017. Công ty nhận thấy rằng khi mới thành lập, giá trị của một công ty như vậy dao động trong khoảng 28 - 43 triệu USD. 

Tuy nhiên, đến năm 2019, định giá của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã tăng vọt lên hơn 145 - 190 triệu USD, điều này rõ ràng chỉ ra dấu hiệu của một bong bóng đầu tư và những bong bóng như vậy có xu hướng sụp đổ.

Một yếu tố khác góp phần vào sự sụt giảm các công ty thiết kế vi mạch tại Trung Quốc, đó là hoạt động kém hiệu quả từ thị trường tiêu dùng đã chuyển sang trạng thái mất cân đối cấu trúc cung cầu bắt đầu từ quý III/2021, sau đó ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu phải đối mặt với sự điều chỉnh hàng tồn kho vào nửa cuối năm 2022 và bước vào thời kỳ suy thoái. 

Do đó, nhu cầu về chip nói chung giảm xuống và các nhà phát triển có trụ sở tại Trung Quốc sản xuất chip vi mạch hàng hóa đã phá sản vì họ không thể cung cấp bất kỳ sản phẩm gì đặc biệt.

Các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc rõ ràng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, thể hiện rõ qua các vấn đề mà các công ty như Alibaba, Biren, HiSilicon và YMTC gặp phải. 

Trong khi đó, sự suy thoái chất bán dẫn toàn cầu và việc nhiều nhà thiết kế chip Trung Quốc không thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài đóng một vai trò lớn trong việc 10.000 công ty sản xuất chip phải đóng cửa trong vòng hai năm.

Thiên Trường