|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tất toán nợ xấu bị ngân hàng làm khó?

14:38 | 11/07/2017
Chia sẻ
Ngân hàng lẫn người vay thường đưa ra một số điều kiện chưa hợp lý khiến việc thỏa thuận xử lý nợ xấu thiếu sòng phẳng.

"Bán nhà để tất toán nợ xấu cũng không dễ bởi ngân hàng tính lãi suất hàng tỉ đồng vượt khả năng chi trả nợ của tôi"- bà Trần Thị Ngọc Bích- một khách hàng của Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) phản ánh với Báo Người Lao Động.

tat toan no xau bi ngan hang lam kho

Nhiều khách hàng vay tiền gặp khó khăn khi tất toán nợ với ngân hàng. Ảnh tư liệu

Thiếu đồng thuận miễn, giảm lãi suất

Cuối năm 2014, bà Bích vay Eximbank chi nhánh quận 4 (Eximbank quận 4) 10 tỉ đồng, lãi suất 10%/năm, thời hạn 20 năm để mua căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, tài sản thế chấp là chính căn nhà này. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan nên chỉ sau khi vay vài tháng bà Bích mất khả năng chi trả, khoản vay trở thành nợ xấu.

Tháng 7-2016, bà Bích chủ động hợp tác với Eximbank quận 4 để bán nhà trả nợ, đồng thời đề nghị NH miễn giảm lãi suất. Eximbank quận 4 đồng ý và yêu cầu bà Bích trong vòng 1 tháng phải tất toán. Tuy nhiên, do trong khoản thời gian này bà Bích không bán được nhà nên không đáp ứng được điều kiện miễn giảm lãi suất mà Eximbank đặt ra.

Đến tháng 2-2017, bà Bích tiếp tục đề nghị trả góp vốn và lãi hằng tháng. Eximbank quận 4 có văn bản yêu cầu bà Bích tất toán 10 tỉ đồng và lãi phát sinh nhưng không nói rõ số tiền là bao nhiêu.

Tháng 4-2017, có người đồng ý đặt cọc 10 tỉ đồng để mua căn nhà 361/38 Nguyễn Đình Chiểu, bà Bích được Eximbank quận 4 hướng dẫn các thủ tục cần thiết rồi xin ý kiến cấp trên (hội sở Eximbank) về cách tính lãi suất. Thế nhưng, hội sở Eximbnak lại yêu cầu bà Bích phải trả nợ gốc 10 tỉ đồng cộng với lãi phát sinh hàng tỉ đồng.

"Eximbank đã đặt tôi vào thế khó. Bởi với số lãi quá nhiều tôi không đủ tiền để tất toán và cả người mua nhà của tôi cũng gặp khó khăn vì họ phải vay tiền từ NH khác. Vì thế, tôi mong muốn Eximbank giữ nguyên số tiền lãi tượng trưng 100 triệu đồng để tôi sớm tất toán khoản vay 10 tỉ đồng"- bà Bích nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoắc Vĩnh Tùng, Giám đốc Eximbank quận 4, cho biết: Năm 2016, Eximbank đã khởi kiện khoản nợ xấu của bà Bích. Tuy nhiên, do NH muốn giải quyết nhanh nợ xấu, không phải mất thời gian chờ đợi phán quyết từ toán án nên khi bà Bích có thiện chí bán nhà trả nợ NH đã đồng ý miễn lãi suất, chỉ thu lãi tượng trưng 100 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi hết thời hạn 1 tháng, bà Bích không tất toán.

Gần đây, bà Bích đã hoàn tất các chứng từ chứng minh việc bán nhà để tất toán số nợ 10 tỉ đồng nên Eximbank quận 4 tiếp tục trình cấp trên phê duyệt miễn giảm lãi suất. Và hội sở Eximbank đã miễn lãi suất cho bà Bích trong khoảng thời gian từ đầu năm 2016 đến tháng 8-2016 và từ thời điểm này đến tháng 6-2017, Eximbank tính lãi suất phát sinh là 1,8 tỉ đồng. Thế nhưng, bà Bích không đồng ý, buộc Eximbank phải chờ kết quả phân xử từ tòa án.

"Còn nếu NH thẳng thừng tính lãi suất, phạt nợ quá hạn…từ đầu năm 2015- thời điểm khách hàng mất khả năng trả nợ cho đến nay thì bà Bích phải trả lãi suất gấp 2-3 lần so với 1,8 tỉ đồng"- ông Tùng phân tích.

Nhiều điều kiện phi lý

Trao đổi câu chuyện này với ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc NH Kiên Long, ông Châu cho biết khi khách hàng có thiện chí tất toán nợ xấu, nhất là đối với khách hàng bán nhà để trả nợ, các NH thường xem xét đến hòan cảnh, khả năng chi trả của từng khách hàng để tính toán giảm lãi suất sao cho lợi ích của 2 bên được hài hòa. Thế nhưng, không ít khách hàng lại tranh thủ NH nôn nóng giảm nhanh tỉ lệ nợ xấu để đưa ra các điều kiện hết sức khó xử.

Đề cập đến vấn đề này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc NH Sài Gòn (SCB), kể câu chuyện một khách hành của SCB có đến 2- 3 căn nhà. Khi tòa án phát mãi 1 căn nhà để giải quyết một khoản nợ xấu thì khách hàng này than phiền không có nhà để ở, yêu cầu NH hỗ trợ nơi sinh sống. NH không đồng ý vì nhận thấy điều kiện này không hợp lý, đến nay khoản nợ xấu đó vẫn chưa giải quyết xong.

Cuối năm 2016, ông Lê Văn Tín (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) từng đề nghị NH Sài Gòn Công thương (Saigonbank) hỗ trợ ông bán nhà tất toán khoản vay 800 triệu đồng. Saigonbank yêu cầu ông Tín tất toán 2 tỉ đồng bởi ông còn có thêm hai khoản vay khác ở NH này tổng cộng 1,2 tỉ đồng.

Lúc đó, ông Tín không đồng ý vì hai khoản vay này ông đứng tên hộ cho người thân vay tiền, với tài sản thế chấp là bất động sản thuộc quyền sở hữu của người thân. "NH nói nếu tôi không trả 1,2 tỉ đồng sẽ khởi kiện ra tòa rồi xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Còn số tiền vay 800 triệu đồng tôi thế chấp bằng căn nhà của mình thì không có lý do gì NH không tạo điều kiện để tôi bán nhà tất toán khoản vay này "- ông Tín nói.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2017, ông Tín, người thân và Saigonbank thống nhất phương án tất toán 2 tỉ đồng nợ xấu. Theo đó, người thân của ông Tín bán nhà để thay thế ông trả nợ 1,2 tỉ đồng. Ông Tín cũng bán nhà của mình để tất toán 800 triệu đồng nợ xấu tại Saigonbank.

Còn ông Trần Tiên Tiến (quận 2, TP HCM) cũng phản ánh trước đây ông dùng giấy tờ nhà của mình làm tài sản thế chấp bảo lãnh cho chủ một DN (người nhà ông Tiến) vay 4 tỉ đồng tại một NH có hội sở TP HCM. Do người nhà mất khả năng trả nợ NH nên ông Tiến trả thay được 2,15 tỉ đồng. Sau đó, ông Tiến đề nghị trả hết số tiền còn lại là 1,85 tỉ đồng song NH lại buộc ông phải trả 5,7 tỉ đồng mới trả lại giấy tờ nhà.

Khi ông Tiến đề nghị giải thích số tiền này thì cán bộ NH cho hay ngoài khoản vay 4 tỉ đồng, người nhà ông còn có nhiều khoản vay khác nên NH muốn dùng giấy tờ nhà của ông Tiến để ép người nhà trả hết nợ. "Lúc đó, tôi phản ứng rất mạnh, cho rằng NH thiếu sòng phẳng vì trách nhiệm của tôi chỉ bảo lãnh và trả nợ cho khoản vay 4 tỉ đồng. Còn trách nhiệm trả nợ cho các khoản vay khác thuộc về người nhà tôi. Tiếp đó, tôi gửi đơn khiếu nại khắp nơi mới được NH chấp nhận tất toán 1,85 tỉ đồng rồi trả lại giấy tờ nhà" - ông Tiến bộc bạch.

Coi chừng bị ép

Theo quy định, với một khoản nợ xấu, NH dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng cho khoản nợ đó. Khi khách hàng bán tài sản đề trả nợ, NH có thể thỏa thuận miễn giảm lãi suất vì với số tiền đã trích lập dự phòng, NH sẽ bù đắp cho số tiền miễn giảm lãi suất.

Tuy vậy, phó tổng giám đốc phụ trách xử lý nợ của một NH có hội sở ở Hà Nội khuyến cáo người bán nhà để tất toán nợ xấu cần chú trọng đến thỏa thuận giảm lãi suất, sao cho sau khi bán phải trả hết nợ. Bởi lẽ, tại thời điểm tất toán, NH sẽ áp dụng mức lãi suất cao nhất. Ví dụ, hợp đồng vay thể hiện lãi suất năm đầu tiên là 9%/năm, từ năm thứ hai trở đi lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 4% (hiện tại 11%/năm).

Như thế, nếu trong năm thứ 2 khoản vay đó trở thành nợ xấu thì khi tất toán NH sẽ tính lãi suất 11%/năm, đồng thời phạt 1,5 lần lãi suất do nợ quá hạn, phạt tiền do trả chậm lãi suất... Từ đó, vốn và lãi cộng lại có khi nhiều hơn số tiền bán nhà dẫn đến người đã bán nhà vẫn còn mang nợ NH.

"Ngoài ra, người bán nhà cần phòng ngừa tình huống cán bộ NH có thể cấu kết với người ngoài tung chiêu ép giá để trục lợi, hệ quả là người bán nhà chỉ đủ tiền trả nợ NH và không còn tiền trang trải cuộc sống"- vị phó tổng đốc NH cảnh giác.

Theo LS- TS Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM), lâu nay, các NH luôn dùng cách miễn giảm lãi suất hoặc hỗ trợ các loại thủ tục khác nhau để khách hàng thuận lợi trong việc trả nợ. Do đó, khách hàng nên phối hợp chặt chẽ và tranh thủ cơ hội NH miễn giảm lãi để nhanh chóng tất toán khoản vay. Làm được như vậy thì cả NH và người vay tiền đều có được nhiều quyền lợi, giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh.

Thy Thơ